Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp biên soạn và công bố số liệu GRDP. Để hiểu rõ hơn, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể cho biết về cách tính GDP và GRDP tại Việt Nam?
Việt Nam áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của Liên hợp quốc từ năm 1993 theo Quyết định số 183/TTg ngày 25/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ thay cho Hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS), theo đó chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) được biên soạn thay thế cho chỉ tiêu thu nhập quốc dân. Từ năm 1993 đến nay, việc biên soạn số liệu GDP được ngành thống kê thực hiện theo quy trình: Tổng cục Thống kê biên soạn số liệu GDP cho toàn bộ nền kinh tế (phạm vi cả nước) theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng, 5 năm một lần biên soạn theo phương pháp thu nhập; các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biên soạn số liệu GRDP.
Trong hơn 20 năm áp dụng SNA, bên cạnh những kết quả đạt được, quy trình tổ chức biên soạn số liệu GDP và GRDP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, dẫn đến tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương ngày càng lớn, có năm chênh lệch gấp 1,7 lần.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, theo hướng Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn, công bố số liệu GDP và số liệu GRDP.
Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” ban hành theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục số liệu GRDP do các địa phương biên soạn quá cao so với thực tế kết quả sản xuất kinh doanh đạt được; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các sở, ngành ở địa phương trong việc cung cấp nguồn thông tin đầu vào phục vụ biên soạn, công bố và thống nhất sử dụng số liệu GRDP.
Khi xây dựng Đề án, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu cách biên soạn GRDP tại 12 quốc gia thì thấy có 10 nước, cơ quan thống kê trung ương tính cả GDP lẫn GRDP cho từng bang, tỉnh, thành phố, gồm Mỹ, Thái Lan, Philippines, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ba Lan, Hungary và Séc. Từ đó, có thể nói áp dụng quy trình biên soạn số liệu GRDP tập trung tại Tổng cục Thống kê là theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng số liệu GRDP, khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP.
Vậy trước đây, Tổng cục Thống kê giải quyết vấn đề chênh lệch số liệu của địa phương và số liệu tính toán của Trung ương như thế nào, thưa ông?
Trong 3 năm 2013 - 2015, Tổng cục Thống kê đã thực hiện rà soát, tính toán lại số liệu GRDP giai đoạn 2011 - 2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cho thấy, tốc độ tăng GRDP của các địa phương do Tổng cục Thống kê rà soát, tính toán lại đều thấp hơn so với số liệu các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo. Tổng cục Thống kê đã báo cáo kết quả rà soát, tính lại số liệu GRDP giai đoạn 2011 - 2015 với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Phó Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, và thông báo tới UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm căn cứ xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với năng lực thực tiễn cũng như tiềm năng phát triển của từng bộ, ngành, địa phương.
Để có con số thống kê chính xác theo quy trình mới, theo ông cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương như thế nào?
Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án.
Đối với các bộ, ngành, cần thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ban hành theo Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là các thông tin về thu, chi ngân sách, thuế sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu… cho Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê); củng cố và tăng cường tổ chức thống kê bộ, ngành.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn để triển khai thực hiện các công việc theo quy định biên soạn và công bố số liệu GRDP. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cung cấp, chia sẻ đầy đủ thông tin cho Cục Thống kê tổng hợp báo cáo Tổng cục Thống kê theo quy định. Thống nhất sử dụng số liệu GRDP do Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) biên soạn và công bố.