Các địa phương sẽ làm gì để khẳng định lại vị thế du lịch Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
Mở cửa du lịch không chỉ là "thời điểm vàng" mà là yêu cầu "sống còn" để thay đổi diện mạo ngành công nghiệp không khói của nước nhà, khẳng định lại vị thế của du lịch Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.
Các địa phương đã sẵn sàng lộ trình để phục hồi du lịch. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Các địa phương đã sẵn sàng lộ trình để phục hồi du lịch. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+

Các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... cho biết đã sẵn sàng đón khách du lịch, đặc biệt là các thị trường quốc tế với những kế hoạch bài bản nhằm khẳng định lại vị thế của du lịch Việt Nam chứ không đơn giản chỉ là câu chuyện mở cửa, phục hồi du lịch.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch "Việt Nam-Trải nghiệm trọn vẹn" vừa diễn ra chiều nay (ngày 22/3), tại Quảng Ninh.

Vì mục tiêu “kỳ quan 4 mùa”

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương này đã chủ động thần tốc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine diện rộng, tới nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đã đạt 99% (người từ 12 tuổi trở lên) để sẵn sàng cho hoạt động du lịch giai đoạn mới. Với công tác phòng chống dịch trong du lịch, hiện Quảng Ninh đã có trên 70 cơ sở dịch vụ an toàn cao và 1.467 cơ sở dịch vụ lưu trú an toàn.

“Quảng Ninh được ví như Việt Nam thu nhỏ, giàu tiềm năng du lịch đặc sắc, cảnh quan phong phú, hơn 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Quảng Ninh có nhiều cơ sở du lịch nổi tiếng trên bộ, trên biển, có cửa ngõ giao thương với Trung Quốc; có 632 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, rừng, núi, đặc biệt có vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO vinh danh di sản Thiên nhiên Thế giới và Kỳ quan thiên nhiên Thế giới. Du lịch Quảng Ninh an toàn-hấp dẫn đã sẵn sàng đón bạn trở lại,” ông Văn cho hay.

Để có tâm thế sẵn sàng như ông Văn khẳng định, vậy Quảng Ninh đã chuẩn bị những gì cho việc xây dựng điểm đến thích ứng trong điều kiện bình thường mới?

Những hòn đảo nhỏ hoang vắng đang được cân nhắc đưa vào khai thác. Ảnh: CTV/Vietnam+

Những hòn đảo nhỏ hoang vắng đang được cân nhắc đưa vào khai thác. Ảnh: CTV/Vietnam+

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết đại dịch COVID-19 đã tạo ra các xu hướng mới, do đó địa phương tập trung vào 5 vấn đề:

Một là, làm mới sản phẩm truyền thống, như nghỉ đêm trên vịnh sẽ đưa thêm khám phá, trải nghiệm thể thao… cho du khách; tiến tới điểm đến du lịch bốn mùa bằng việc đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm cao.

Hai là, từng bước chuyển đổi số liên quan đến xúc tiến quảng bá ở từng doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

Ba là, khi có sản phẩm mới, truyền thông rồi phải tập trung nâng cao chất lượng: đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng.

Bốn là, du lịch không phải câu chuyện của một địa phương mà phải có tính liên kết để tạo sức hút liên vùng.

Năm là, xác định du lịch trong thời điểm này vẫn cần đề cao tiêu chí an toàn.

Phát triển thành phố biển chất lượng cao

Với chủ trương phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố biển chất lượng cao, lãnh đạo ngành du lịch khẳng định yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị mở lại hoạt động du lịch giai đoạn mới, Đà Nẵng sẽ bám sát phương án 829 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác phòng chống dịch, xúc tiến và quảng bá sản phẩm du lịch.

Cầu Vàng ở Bà Nà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Cầu Vàng ở Bà Nà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Đà Nẵng xác định 4 trụ cột chính: Đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch; làm mới sản phẩm và làm sản phẩm mới, từ đó mang lại nhiều chương trình du lịch có yếu tố bất ngờ cho du khách; thu hút lực lượng lao động quay trở lại với công việc sau thời gian nghỉ, ngừng việc do gián đoạn thị trường du lịch đồng thời nâng chất cao lượng dịch vụ và tay nghề của người lao động; ký kết với nhiều đơn vị truyền thông, xúc tiến truyền thông để quảng bá du lịch rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế.

Về hoạt động sắp tới, ông Bình cho biết ngày 27/3, Đà Nẵng sẽ chính thức đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Singapore và Bangkok. Bên cạnh đó, nhiều chương trình du lịch, hội chợ nổi bật sẽ được tổ chức trong năm 2022.

Mặc dù quy định dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều, song ông Bình cũng đề xuất Bộ Ngoại giao sớm thúc đẩy việc công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam cũng như có những chính sách mở cửa hợp lý hơn nữa, ví dụ như gia hạn thời gian cấp thị thực cho du khách từ 15 ngày lên 30 ngày…

Vì một hệ sinh thái du lịch bền vững

Các chuyên gia lĩnh vực du lịch cho rằng trên chặng đường phục hồi lại ngành công nghiệp không khói, cần hiểu thế mạnh của mỗi địa phương để tập hợp sức mạnh liên kết vùng. Bởi mỗi tỉnh, thành phố đều có tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh du lịch khác nhau, có phương thức khai thác nguồn tài nguyên du lịch khác nhau, cũng như chính sách ở mỗi địa phương mỗi khác.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố xác định phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững không chỉ là hệ sinh thái của một địa phương mà là liên kết vùng, liên kết với hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước.

Xe buýt du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Xe buýt du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Được biết, từ năm 2019-2020, để không “uổng phí tài nguyên,” Thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng, nâng tầm liên kết từ cấp sở lên cấp tỉnh, ủy ban nhân dân, với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Tây Bắc, với các vùng trọng điểm miền Trung, mở rộng với 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên...

Theo đó, phương châm phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh là trung hòa hệ sinh thái du lịch.

Theo bà Hiếu, địa phương xác định đến năm 2030 và dự báo năm 2045 sẽ liên kết các tỉnh, thành xung quanh để có thể dùng chung tài ngyên du lịch, phát triển một hệ sinh thái du lịch chung, xây dựng nhiều sản phẩm hơn chào đón du khách.

Từ định hướng liên kết này, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định 4 nhiệm vụ chính: Quảng bá, xúc tiến, trao đổi hệ sinh thái du lịch với các địa phương nhằm làm mới các chương trình du lịch; trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước về du lịch; chào bán các sản phẩm liên kết vùng, để từ đó chọn ra các sản phẩm du lịch đặc sắc; tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

“Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn mở rộng liên kết với các vùng trên cả nước, là cầu nối đưa du khách đến với các tỉnh thành đồng thời đón du khách từ các địa phương đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó phát triển hệ sinh thái và phát triển du lịch mạnh mẽ hơn,” bà Hiếu nhấn mạnh.