Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ảnh: Bảo Việt |
Hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) dựa trên hai trụ cột chính là kinh doanh bảo hiểm và đầu tư. Nếu kinh doanh bảo hiểm mang tiền về cho DN thì hoạt động đầu tư đem tiền đi kiếm lời. Trong nhiều năm gần đây, hoạt động đầu tư luôn mang lại lợi nhuận bù đắp thua lỗ tại mảng kinh doanh bảo hiểm. Những biến động trên thị trường tài chính gần đây khiến “khẩu vị” đầu tư của các DNBH đã có những đổi thay.
Doanh nghiệp bảo hiểm cơ cấu lại danh mục
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là DNBH lớn nhất hiện nay khi hoạt động trên 5 lĩnh vực trụ cột là nhân thọ, phi nhân thọ, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư. Với vốn điều lệ gần 7.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 13.000 tỷ đồng, hoạt động đầu tư chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với BVH.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2015 được BVH công bố mới đây, lợi nhuận sau thuế đạt 959,76 tỷ đồng (giảm 3,95% so với cùng kỳ năm 2014), hoàn thành 84,19% kế hoạch cả năm. Riêng Quý III/2015 đạt 228,351 tỷ đồng, giảm 27,96% so với cùng kỳ năm 2014. Tập đoàn ghi nhận sự cải thiện của lợi nhuận bảo hiểm nhưng lợi nhuận tài chính và lợi nhuận từ đầu tư góp vốn đều giảm. BVH chỉ ra nguyên nhân là do giao dịch chứng khoán kém sôi động và lãi từ đầu tư chứng khoán biến động mạnh làm ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế thu nhập DN bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2014, tương đương biến động giảm 27,96%.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, thu nhập từ kinh doanh chứng khoán của BVH giảm 41,05% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ còn 198 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 7,17% trong tổng thu nhập tài chính. Vào Quý III/2014, tỷ trọng của thu nhập từ kinh doanh chứng khoán là 11,91%. Mặc dù vậy, lãi suất đầu tư bình quân của danh mục tiền gửi của BVH lại tăng từ 6,31% lên 7,09% và lãi suất đầu tư của danh mục trái phiếu tăng từ 8,91% lên 9,32%. HSC dự đoán BVH đã có sự gia tăng tỷ trọng của trái phiếu doanh nghiệp trong tổng danh mục trái phiếu. Bởi vì lãi suất đầu tư của trái phiếu kho bạc hiện vẫn rất thấp. Giả thiết của HSC được hỗ trợ bởi sự gia tăng của tổng giá trị danh mục đầu tư trái phiếu dài hạn từ 17.417 tỷ đồng lên 21.140 tỷ đồng (tăng 21,36% so với cùng kỳ năm trước), trong khi đó, các khoản mục đầu tư khác hầu như không đổi.
Hoạt động đầu tư của phần lớn các DNBH từ năm 2012 bị ảnh hưởng lớn do thị trường chứng khoán, bất động sản nhiều bất ổn, nhiều khoản đầu tư không hiệu quả, doanh thu từ hoạt động đầu tư liên tục giảm qua các năm. Do đó, nhiều DNBH đã đẩy mạnh cơ cấu lại danh mục.
Thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả
Tại Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, thời gian qua, BMI đã rót tiền đầu tư vào nhiều nơi hiệu quả thấp, không hiệu quả, đặc biệt là một số khoản không thu hồi được vốn như Công ty Tài chính CP Sông Đà (cổ tức bình quân 2,5%/năm), Công ty CP Khách sạn Sài Gòn Kim Liên (cổ tức bình quân chưa đầy 1,1%/năm) và mua trái phiếu Vinashin 2,22 tỷ đồng… Do vậy, doanh thu của hoạt động đầu tư của BMI liên tục giảm qua các năm. Từ năm 2013, BMI tái cơ cấu danh mục đầu tư sang các loại tiền gửi (hiện tiền gửi chiếm 80%) và cắt giảm chi phí hoạt động đầu tư để tăng lợi nhuận. Trong năm 2015, BMI đặt kế hoạch doanh thu hoạt động tài chính đạt 152 tỷ đồng, chỉ bằng 88% so với năm trước.
Nhờ vào việc duy trì tái cơ cấu doanh mục đầu tư sang các loại tiền gửi có kỳ hạn dài và vào trái phiếu chính phủ để tăng lợi nhuận, doanh thu hoạt động tài chính Quý III/2015 của BMI đạt 126 tỷ đồng, tăng 7% và đạt 83% kế hoạch, đồng thời chi phí giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái còn 30 tỷ đồng, giúp cho lợi nhuận gộp hoạt động tài chính của BMI đạt 97 tỷ đồng, ghi nhận khoản tăng ấn tượng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 36% so với cả năm 2014. Nhờ vào việc kiểm soát chi phí và lợi nhuận hoạt động đầu tư tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế của BMI đến hết Quý III/2015 đạt 129 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 76% kế hoạch năm 2015.
Đối với bảo hiểm PJICO (PGI), từ năm 2013, doanh nghiệp này tái cơ cấu doanh mục đầu tư sang các loại tiền gửi (đến Quý III/2015 tiền gửi chiếm 90%) và cắt giảm chi phí hoạt động đầu tư để tăng lợi nhuận. Trong 3 quý năm 2015, doanh thu hoạt động tài chính đạt 102 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014, đồng thời chi phí giảm 23% xuống còn 20 tỷ đồng, giúp cho lợi nhuận gộp hoạt động tài chính của PGI đạt 82 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vào lợi nhuận hoạt động đầu tư của PGI tăng khả quan, nên dù PGI gần như “hòa vốn” ở hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhưng lợi nhuận trước thuế của Công ty đến Quý III/2015 đạt 89 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù các DNBH đã thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư từ những năm trước nhưng tới đây hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn. Mới đây Bảo hiểm Dầu khí đăng ký bán ra 12 triệu cổ phiếu quỹ trong khi BMI tìm đối tác thoái toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu PTI. Trong kế hoạch kinh doanh 2016, PGI dự kiến bán ra 1,4 triệu cổ phiếu quỹ và gần 4 triệu cổ phiếu VIPCO.
Hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chốt lời là xu hướng được các DNBH thực hiện gần đây và chuyển sang các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ và tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất ổn định. Đây được xem là chiến lược phù hợp nhằm đón đầu xu hướng lãi suất có thể tăng khi kinh tế hồi phục trong thời gian tới.