Các dự án điện lỡ hẹn giá FIT: Xót xa nguồn lực đầu tư bị lãng phí quá lâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trải qua một thời gian dài kể từ thời điểm hết ưu đãi giá FIT, chính sách phát triển cho điện gió, điện mặt trời vẫn chưa rõ ràng. Hàng loạt chủ đầu tư cứ “đứng ngồi không yên”, nhưng chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi sự phản hồi...
Nhiều dự án điện gió đang phải “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại. Ảnh minh họa: Văn Cường
Nhiều dự án điện gió đang phải “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại. Ảnh minh họa: Văn Cường

Cuối tháng 8/2022, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Trung Nam Group) - doanh nghiệp đã xây đường dây 550kV kết nối loạt dự án năng lượng tái tạo ở tỉnh Ninh Thuận với hệ thống lưới điện quốc gia - nhận thông báo từ Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (công suất 450MW) kể từ 1/9/2022. Thông báo này đồng nghĩa với việc nguồn lực Trung Nam Group đã đầu tư cho dự án rơi vào tình trạng lãng phí, làm ra mà không được tiêu thụ trên thị trường.

Không chỉ Trung Nam Group, hàng loạt chủ đầu tư cũng ở tình trạng bế tắc về “đầu ra” khi các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không được huy động hết công suất, hoặc rơi vào cảnh 'đắp chiếu' dù đã sẵn sàng phát điện. Thực trạng này cho thấy, nguồn lực rất lớn của xã hội đã bỏ ra đầu tư, đang bị lãng phí và chưa thấy phương án xử lý ở đâu…

Cuối tuần trước, EVN đã có cuộc làm việc với Trung Nam Group nhằm tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. Theo đó, EVN đề xuất Trung Nam Group đưa Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam vào tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đối với phần công suất chưa có cơ chế giá. Tuy nhiên, phản ứng của Trung Nam Group với đề xuất này đang là ghi nhận, bởi phương án đề xuất khác với những gì doanh nghiệp dự tính, khi bỏ ra nguồn lực khổng lồ thực hiện các dự án hiện nay.

Vấn đề của Trung Nam Group là một trong hàng loạt vấn đề mà các nhà đầu tư điện tái tạo đang gặp phải. Trong thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư như: Công ty CP Điện gió Nam Bình - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Nam Bình 1, tại tỉnh Đắk Nông; Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Cầu Đất, tỉnh Lâm Đồng; Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tỉnh Bình Định… đã có đơn “kêu cứu” gửi Chính phủ và cơ quan chức năng, nhằm mong chờ một cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các dự án lỡ giá FIT. Song đến nay, cơ chế giá mới cho các dự án điện tái tạo vẫn chưa được ban hành.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện một nhà đầu tư tỏ rõ sự mệt mỏi và cho biết, thời gian qua, đã có nhiều văn bản đề nghị, “kêu cứu”, nhưng chưa thay đổi được gì nên giờ doanh nghiệp chỉ có thể “nằm im chờ đợi”. Trong khi đó, động thái của các cơ quan chức năng gần đây cho thấy, việc tháo gỡ bế tắc cho các dự án lỡ hẹn giá FIT vẫn chưa tiến triển được bước nào…

Tháng 7/2022, Bộ Công Thương đề xuất giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai. Tuy nhiên, EVN đề nghị Bộ Công Thương không giao tập đoàn này đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Phản hồi đề nghị của EVN, Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho rằng, với vai trò là đơn vị mua điện, EVN phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện để thống nhất về giá và sản lượng hợp đồng và quy định tại hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Thông tư số 57/2022/TT-BCT.

Ở góc nhìn khách quan, ông Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng cho rằng, đề xuất của EVN như trên là phù hợp. Theo ông Sơn, tại Việt Nam, nhờ cơ chế giá FIT, những năm qua đã có sự phát triển, thậm chí “bùng nổ” các dự án điện mặt trời, điện gió. Song, cơ chế giá FIT nên chấm dứt vì không còn hữu dụng, nhưng Bộ Công Thương phải có thông tư hướng dẫn đàm phán mua bán điện gió và điện mặt trời. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoặc EVN có thể đứng ra đàm phán.

Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia năng lượng kiến nghị, các bên cần ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ, tránh lãng phí nguồn lực rất lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực này. Chưa kể, nếu vướng mắc này không được giải quyết sẽ tạo ấn tượng không đẹp với nhà đầu tư. Về hướng giải quyết, theo ông Dương, tốt nhất là cứ theo cơ chế thị trường. Thị trường điện cạnh tranh đã vận hành cả chục năm nay. Song muốn vào thị trường phải có khung giá hướng dẫn. Vì vậy, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương) có trách nhiệm xây dựng khung giá để gỡ bế tắc hiện nay.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng thuận với đề xuất của EVN và khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án điện mặt trời, điện gió. Chuyên gia Dự án GIZ gợi ý, cơ quan chức năng nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể xây dựng cơ chế đấu thầu phần chênh lệch giá so với giá thị trường, để thúc đẩy nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam được sản xuất và tiêu thụ một cách minh bạch và hiệu quả.