Ảnh Internet |
Việc cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump đã giúp Phố Wall có một kết quả kinh doanh quý I ấn tượng. Morgan Stanley và Bank of America đều báo cáo thu nhập quý kỷ lục trong tuần này. Trong khi đó, một thước đo quan trọng về tính sinh lời của Goldman Sachs đạt mức cao nhất trong 5 năm.
Ông “vua” của các ngân hàng JPMorgan Chase thu về 8,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2018, mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của bất cứ ngân hàng Mỹ nào.
Các ngân hàng lớn cũng đang hốt bạc khi nền kinh tế mạnh hơn, kéo theo nhu cầu vay mua nhà, mua xe và kinh doanh lên cao. “Kết quả chắc chắn là rất ấn tượng. Những yếu tố nền tảng của ngành ngân hàng đều đang khá mạnh mẽ”, nhà đồng sáng lập DataTrek Research Nicholas Colas cho biết.
Ngành ngân hàng đã nhận được cú huých lớn từ luật thuế của đảng Cộng hòa. Các ngân hàng thường phải trả thuế cao, do đó họ là một trong những nhóm được hưởng lợi lớn khi thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 21%.
Bank of America giảm được 26% tiền thuế, ngay cả khi ngân hàng lớn thứ nhì của Mỹ này kiếm được nhiều hơn 30%. Tỷ lệ thuế có hiệu lực của Morgan Stanley giảm từ 29% xuống 21% trong năm ngoái. Tỷ lệ này của JPMorgan, Citigroup và Wells Fargo đều giảm mạnh.
Sự biến động trên Phố Wall là một trong những điều kiện giúp các ngân hàng lớn ăn nên làm ra. Thị trường trồi sụt bởi quan điểm thương mại của ông Trump, mối lo về lạm phát và sự lao dốc của cổ phiếu công nghệ đã thúc đẩy hoạt động giao dịch của khách hàng tăng vọt. Đây là mỏ vàng đối với các công ty Phố Wall vốn đã trải qua năm 2017 bình yên bất thường.
“Năm ngoái là môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư, song tệ hại nhất đối với các giao dịch viên bởi thị trường quá ít biến động”, ông Colas cho biết.
Nhờ biến động của thị trường, doanh thu từ hoạt động giao dịch của Morgan Stanley đã tăng 25% lên 4,4 tỷ USD trong quý trước, trong khi doanh thu giao dịch chứng khoán của Bank of America tăng 38%.
Con số này của Goldman Sachs là 31%, mức cao nhất trong 3 năm qua. Mức lương trung bình mà mỗi nhân viên của Goldman Sachs nhận được trong quý I là 110.000 USD, tăng cao so với mức 95.000 USD năm ngoái. CEO Goldman Sachs Lloyd Blankfein cho rằng việc các ngân hàng trung ương giảm kích thích đã khiến thị trường biến động mạnh.
Mặc dù vậy, không phải nhà băng lớn nào cũng có quý I ăn nên làm ra. Cổ phiếu Wells Fargo đã sụt giảm sau khi ngân hàng này cho biết đang phải đối mặt với khoản phạt có thể lên đến 1 tỷ USD vì mảng cho vay mua nhà và ô tô, và có thể sẽ cần điều chỉnh lại lợi nhuận quý I. Wells Fargo cũng đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) – giới hạn tài sản của hãng ở 2.000 tỷ USD.
Ngoài ra, các nhà đầu tư không thực sự thấy ấn tượng bởi lợi nhuận tăng mạnh của các ngân hàng. Một trong những lo ngại là các ngân hàng đang hưởng lợi từ nguồn lực lớn nhưng thoáng qua: biến động thị trường và cắt giảm thuế. Mảng kinh doanh cốt lõi – cho vay – không tươi sáng như kỳ vọng khi nền kinh tế khả quan và tác động tích cực từ biện pháp cắt giảm thuế.
JPMorgan cho biết dư nợ cho vay dành cho doanh nghiệp trong quý đầu năm nay của hãng chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 1% so với quý IV/2017. Marianne Lake – Giám đốc tài chính tại JPMorgan cho biết các hoạt động này trong toàn ngành đều đang suy giảm.
Một vấn đề khác khiến các nhà đầu tư lo lắng là thị trường trái phiếu đang tăng trở lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn tăng vọt, trong khi dài hạn lại giảm xuống. Điều này không tốt đối với các ngân hàng – vốn trả lãi theo mức lãi suất ngắn hạn và cho vay theo mức dài hạn.
Đó là những lý do giải thích tại sao các nhà đầu tư không đổ xô đi mua cổ phiếu ngân hàng thời điểm hiện tại. “Mặc dù các ngân hàng đang kiếm được lợi nhuận lớn, song các nhà đầu tư vẫn ngần ngại thưởng cho họ”, ông Colas cho biết.