Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Và do cả 2 cựu Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) là ông Trần Quốc Đông và ông Nguyễn Văn Hiếu đang bị thụ án vì dính líu vào vụ nhận hối lộ JTC (Nhật Bản).
Khoản vay không đủ mua ray, ghi
Trong văn bản giải trình gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai với tổng khoản vay khoảng 100 triệu USD sử dụng cho công tác xây lắp và 31 triệu Euro sử dụng để mua sắm ray, ghi. Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB và Cơ quan Phát triển Pháp, Tổng vụ Ngân khố và Chính sách kinh tế Pháp (DGTresor). Quy mô của Dự án bao gồm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại với tổng chiều dài 285 km từ ga Yên Viên đến giữa cầu Hồ Kiều và tuyến nhánh đường sắt từ ga Phố Lu đến ga Xuân Giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, do có biến động lớn về đơn giá vật liệu, tiền lương, chế độ chính sách..., nên tổng mức đầu tư của Dự án tăng nhiều so với quyết định đầu tư ban đầu. Bộ GTVT đã tiến hành điều chỉnh Dự án, đặc biệt là cơ cấu lại gói thầu ray, ghi, với quy mô đầu tư thành 2 giai đoạn.
Bộ GTVT cho biết, căn cứ dự toán do tư vấn thiết kế kỹ thuật (CECI) lập cuối năm 2010 trên cơ sở báo giá do DGTresor cung cấp, tính riêng khối lượng mua sắm ray, ghi cho 2 gói thầu CP2 và CP3 đã chiếm 96% giá trị khoản vay. Do đó, khoản vay đã cam kết không đủ tiền để mua sắm ray, ghi cho Gói thầu Xây lắp CP1. Mặt khác, theo nghiên cứu của Phái đoàn nhà tài trợ, nếu không thực hiện Gói thầu CP1 thì hiệu quả của Dự án sẽ khó đạt được, do đó cần phải thực hiện đồng thời cả 3 gói thầu CP1, CP2 và CP3.
Căn cứ báo cáo của Tư vấn độc lập ADB, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất phương án điều chỉnh, tận dụng lại các ghi P43 trên chính tuyến vẫn còn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để lắp đặt tại các ga, chỉ mua ghi mới P50 cho 2 ga Văn Phú và Lào Cai với số lượng 14 bộ; chi phí tiết kiệm do giảm mua ghi dùng để mua ray thay thế tại các đường chính tuyến trên cả 3 gói thầu CP1, CP2 và CP3 của giai đoạn 1, phần còn lại là khối lượng dự phòng cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt và các công việc tiếp theo của Dự án.
Dư vật tư hơn 7,4 triệu Euro
Một trong những nghịch lý điển hình của Dự án là trong khi khoản vay thì không đủ để mua sắm ray, ghi như đã nêu trên thì sau khi thực hiện đấu thầu, mua sắm, hoàn thành thi công Dự án giai đoạn 1, bàn giao đưa vào khai thác thì lại dư số vật tư hơn 7,4 triệu Euro.
Cụ thể, tại Văn bản số 2359/BGTVT-KHĐT giải trình bổ sung về việc mua sắm vật tư, thiết bị nhưng chưa đưa vào sử dụng của các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT cho biết, gói thầu mua sắm ray, ghi nêu trên được thực hiện đấu thầu rộng rãi trong phạm vi các nhà thầu Pháp. Đã có 4 nhà thầu Pháp tham dự và nhà thầu trúng thầu là Công ty Ray Pháp của Tập đoàn Thép Tata.
Theo đó, Công ty Ray Pháp đã cung cấp 22.338 tấn ray P50 dài 25m, 18.062 bộ lập lách ray P50, 217 bộ lập lách nối ray P50 và P43, 14 bộ ghi, 4 nửa bộ ghi dự phòng, 2 bộ tâm ghi dự phòng, 2 bộ ray phòng mòn dự phòng cho ghi, 18 bộ bôi trơn tự động cho ghi. Ngoài ra, nhà thầu này còn cung cấp miễn phí 250 tấn ray P50 dài 12,5m như một hình thức giảm giá gói thầu với tổng giá hợp đồng hơn 30,3 triệu Euro.
Tuy nhiên, sau khi bàn giao Dự án giai đoạn 1 vào tháng 9/2015, Ban Quản lý dự án đường sắt đã tiến hành kiểm kê lại khối lượng vật tư còn dư gần 5.808 tấn ray P50; 4.851 bộ lập lách, 4 nửa bộ ghi dự phòng, 2 bộ tâm ghi dự phòng và 2 bộ ray phòng mòn cho ghi. Số vật tư còn lại có giá trị nguyên giá hơn 7,4 triệu Euro và hiện đang được Ban QLDA đường sắt tập kết và trông coi, bảo quản tại các ga Yên Viên, Văn Phú và Yên Bái.
Bộ GTVT cho rằng, việc không lường trước được khó khăn về nguồn vốn của ADB để đến nay vẫn chưa bố trí được vốn thực hiện tiếp giai đoạn 2 Dự án làm tồn dư vật tư ray có phần trách nhiệm của Ban Quản lý các dự án đường sắt trước đây. Bộ GTVT nêu rõ, gói thầu mua sắm ray ghi được cơ cấu lại từ năm 2011 và triển khai thực hiện đến năm 2014 có sự tham gia và chỉ đạo điều hành của nhiều đời cán bộ, lãnh đạo của Ban Quản lý các dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ GTVT, hầu hết hiện không còn công tác. Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt giai đoạn cơ cấu và ký kết hợp đồng gói thầu mua sắm ray, ghi là ông Trần Quốc Đông và ông Nguyễn Văn Hiếu hiện đang thụ án do liên quan đến vụ án hối lộ JTC (Nhật Bản) – vụ án từng làm “rúng động” dư luận Việt Nam và Nhật Bản một thời gian dài.