Cải cách môi trường kinh doanh: Những thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng

(BĐT) - Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ, liêm chính là phương châm nhất quán, xuyên suốt kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức. Báo Đấu thầu điểm lại những chỉ đạo quyết liệt trong năm 2018 của Thủ tướng về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD. Ảnh: Hiếu Nguyễn

“Khắc phục tồn tại để phục vụ tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của người lãnh đạo, với tư cách là tư lệnh lĩnh vực” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng nhiều chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của nước ta xếp hạng thấp và nguy cơ tụt hậu.

Không chỉ tại các phiên họp của Chính phủ, tại những diễn đàn quốc tế, Thủ tướng liên tục phát đi các thông điệp về yêu cầu, mục tiêu, giải pháp cải thiện tích cực hơn nữa môi trường kinh doanh.

Tại Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS (trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6) diễn ra hồi tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết: “Chúng tôi phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của OECD. Thực hiện các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp. Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn 15-17%. Việt Nam cũng áp dụng nhiều quy định ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…”.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, Thủ tướng đánh giá, ghi nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Cụ thể, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 ở vị trí 77/137 quốc gia. Chất lượng môi trường kinh doanh (DB) đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) đứng thứ 45/126 quốc gia. Chỉ số Quan sát doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Liên tiếp trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ đều ban hành mới Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy những cập nhật và cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh diễn biến trong nước và quốc tế luôn thay đổi, để không bị thế giới bỏ lại phía sau. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục cắt bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh không cần thiết để tạo nên môi trường đầu tư không những trong nhóm đầu ASEAN mà hướng tới OECD” - Thủ tướng nói.

Vinfast là một minh chứng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn

Về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu chúng ta thực hiện tốt Chương trình hành động này sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần giảm tối đa gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị các bộ ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo; thực hiện một cách thực chất và hiệu quả mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2019”.

Trên diễn đàn Quốc hội, câu chuyện về cải cách môi trường kinh doanh cũng được người đứng đầu Chính phủ bày tỏ. Tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng nói: “Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị cần chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại...”.

Ngày 5/12, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra ba điểm nghẽn: môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; xây dựng chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ số; đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ.

Với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và sự chuyển động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng có thể đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh mà ở đó, họ là nhân vật trung tâm, có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh, tạo ra xung lực tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế.