Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019. Ảnh: Lê Tiên |
Bẫy thu nhập trung bình là đe dọa trực tiếp
Dù Việt Nam đã đạt những thành quả phát triển được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp… “Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thậm chí đã nhấn mạnh rằng: “Bẫy thu nhập trung bình đang là đe dọa trực tiếp đối với sự phát triển của Việt Nam”. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Những hạn chế, yếu kém không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ”.
Cần cải cách táo bạo
Các ý kiến từ những chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước tại VRDF 2019 đều cho rằng, dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển, nhưng vẫn cần có những cải cách táo bạo để có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro. Trong đó, 2 lĩnh vực đặt biệt quan trọng là cải cách thể chế, hiện đại hóa thể chế thị trường và xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ưu tiên lớn nhất mà nhiều ý kiến đề cập đến là xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, bởi so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết. Các diễn giả đề xuất nhiều giải pháp như hỗ trợ khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng, đất đai, đầu vào nhập khẩu; xác định rõ lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, viễn thông, tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo... Mọi cải cách về thể chế, theo các chuyên gia quốc tế, tựu chung cần hướng tới khai phá được nguồn lực, tạo môi trường cho khu vực tư nhân trong nước có thể phát triển, lớn mạnh bởi khu vực này mới chính là động lực giúp quốc gia thịnh vượng.
Từ thực tế thực tế doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới. Từ đó nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. “Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng lưu ý.
Đây không phải lần đầu vấn đề cải cách thể chế được nhắc đến, nhưng trong bối cảnh mới sẽ tiếp tục cần những đột phá. Những ý kiến từ Diễn đàn là rất có giá trị, góp phần giúp Việt Nam đưa ra những ưu tiên và hành động rõ ràng, những cách làm phù hợp cho Việt Nam, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khả thi trong giai đoạn tới nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng.