Cải cách thể chế - bước đột phá để nâng tầm phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, việc triển khai cải cách thể chế đã giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, vận hội đan xen, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần đẩy mạnh cải cách thể chế để giải phóng nội lực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Công tác cải cách nhằm tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư và lớn mạnh. Ảnh: Tuấn Anh
Công tác cải cách nhằm tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư và lớn mạnh. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong suốt thời gian qua là cải cách thể chế. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được, đặc biệt là thể chế kinh tế?

Vấn đề cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được Nhà nước và Chính phủ quan tâm và đạt một số thành công nhất định.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, các đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh giai đoạn 2016 - 2018 có tác động tích cực, giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4 giúp giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Cắt giảm và minh bạch hóa kiểm tra chuyên ngành hàng hóa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và thương mại. Tần suất thanh tra, kiểm tra giảm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Công tác xây dựng pháp luật và truyền thông chính sách được chú trọng giúp môi trường kinh doanh dễ dự đoán hơn. Ngoài ra, các biện pháp ưu đãi hỗ trợ và bảo hộ một số ngành công nghiệp đã giúp nhiều doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư vào sản xuất, thay vì chỉ đầu tư thương mại dịch vụ hoặc bất động sản.

Theo ông, đâu là những tồn tại, bất cập trong công tác cải cách thể chế kinh tế?

Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Thứ nhất, việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, còn ít liên thông thủ tục hành chính, ít thủ tục cấp độ 4. Thứ hai, việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực thuế và hải quan chứ chưa được mở rộng ra các lĩnh vực khác. Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp, công tác thi hành án dân sự còn chưa hiệu quả. Thứ tư, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, làm giảm cơ hội đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân. Ưu thế về năng lực quản trị tốt của khối tư nhân chưa được tận dụng triệt để trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối. Thứ năm, mặt bằng lãi suất tiền đồng vẫn cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế. Thị trường vốn (chứng khoán, ngân hàng) vẫn chưa thực sự minh bạch và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế chưa đổ mạnh vào sản xuất kinh doanh, khiến chi phí vốn cao. Thứ sáu, tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và việc thực thi pháp luật còn thấp. Điều này đặc biệt gây bất lợi cho các doanh nghiệp tư nhân khi muốn đầu tư các dự án lớn, thời gian thu hồi vốn dài như công nghiệp chế biến, chế tạo và hạ tầng.

Để nuôi dưỡng khu vực tư nhân, góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững hơn nữa, cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?

Thực tiễn đã chứng minh sự phát triển của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam được tạo ra nhờ những cải cách về thể chế để tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội.

Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cần có nhiều giải pháp cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục cải cách các quy định theo hướng thuận lợi hơn, thị trường hơn, tạo ra được không gian rộng mở hơn cho doanh nghiệp, người dân.

Cụ thể hơn, theo ông, những cải cách thể chế nào cần ưu tiên trong thời gian tới?

Có rất nhiều giải pháp về cải cách thể chế Việt Nam có thể triển khai, đó là:

Thứ nhất, tăng cường chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và thực thi pháp luật.

Thứ hai, tôn trọng quy luật thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả và sản lượng hàng hóa. Cần nhận thức rõ sự điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường chỉ là điều tiết về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều tiết mức độ cạnh tranh trong các ngành kinh tế cần bảo hộ. Nhà nước chỉ nên thực hiện điều tiết sản lượng cung cầu, giá cả đối với các hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền.

Thứ ba, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kỷ luật tài chính công, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn theo hướng minh bạch, chống các hành vi thao túng, lừa đảo, giao dịch nội gián; đi kèm với đó là việc bảo đảm truyền thông giúp các bên hiểu rõ hành vi nào là được phép, hành vi nào bị cấm khi tham gia thị trường tài chính.

Thứ tư, ban hành luật về kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó bảo đảm các nguyên tắc như sau: im lặng là đồng ý; nguyên tắc tiền lệ (các hồ sơ giống nhau phải được giải quyết như nhau); nguyên tắc đồng bộ (các cơ quan nhà nước khác nhau cũng phải giải quyết công việc như nhau); nguyên tắc liên thông (doanh nghiệp không nộp lại những hồ sơ mà các cơ quan nhà nước đã có); có cơ chế hiệu quả, an toàn để doanh nghiệp đánh giá, phản ánh chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; quy định trách nhiệm kỷ luật của cán bộ chậm giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ năm, bổ sung các nguyên tắc đối với thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm chi phí cho doanh nghiệp, gồm việc áp dụng triệt để quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra mọi lĩnh vực; lập cơ sở dữ liệu các hành vi vi phạm để các doanh nghiệp khác có thể tham khảo khi tuân thủ.

Thứ sáu, coi hỗ trợ môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp: tập trung vào việc rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết vụ án kinh doanh thương mại; hạn chế tối đa việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; giảm thời gian và tăng tỷ lệ thi hành án thành công; giảm triệt để việc hủy phán quyết trọng tài thương mại.