Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới ở Việt Nam diễn ra sáng ngày 21/11, tại Hà Nội. |
Doanh nghiệp sợ bị hình sự hóa
Tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệ mới ở Việt Nam diễn ra ngày 21/11, tại Hà Nội, TS. Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, các ngành công nghệ mới ở Việt Nam đang có bước phát triển nhanh.
Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, đặt xe qua phần mềm có sự phát triển nhanh. Từ năm 2016, bên cạnh Grab, nhiều DN mới liên tục mới phát triển như: Aber, Go - Ixe…Trình độ công nghệ các DN mới khá tốt, nhưng marketing chưa đủ mạnh, hoặc còn chờ quy định pháp luật. Nhiều địa phương chưa có dịch vụ, thị trường còn nhiều khoảng trống, tiềm năng phát triển còn lớn.
Về đặt phòng online, dù chưa có khung pháp lý ở Việt Nam nhưng dịch vụ này phát triển khá mạnh. Một số doanh nghiệp công nghệ mới của Việt Nam đã có những ứng dụng tốt trong lĩnh vực này như: Uhome, Mystay…
Ở lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) gần đây đã xuất hiện hiện nhiều, nhưng chủ yếu là thanh toán, điển hình như: Momo, Payoo, ZaloPay… với chất lượng khá tốt.
Nhìn nhận về trình độ công nghệ, ông Vinh cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung các DN Việt Nam có khả năng thích nghi cao với công nghệ mới. Việt Nam đang ở nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực blockchain, thậm chí hơn Nhật, Đài Loan…
Tuy nhiên, các ngành công nghệ mới ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Hiện chúng ta thiếu nhiều lao động IT chất lượng cao, đủ khả năng thiết kế các giải pháp công nghệ.
Đặc biệt, về thể chế, chúng ta vẫn thiếu khung khổ pháp lý cho các ngành công nghệ mới. Một số quy định không rõ ràng, khiến DN không dám phát triển do sợ bị hình sự hóa (Fintech). Các thể chế mới hoặc khung khổ thể chế thử nghiệm chậm được ban hành khiến DN mất nhiều thời gian để xin phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ kéo theo mất cơ hội kinh doanh… Bên cạnh đó, có quy định không phù hợp với thực tiễn, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài.
Điều chỉnh chính sách mua sắm công hút công nghệ mới
CIEM cho rằng, trong cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), tốc độ là quan trọng trong cuộc chạy đua công nghệ nếu không “cá nhanh nuốt cá chậm”. Do đó, để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong cuộc Cách mạng này, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ để các ngành công nghệ mới ở Việt Nam phát triển, trong đó có vấn đề tạo cầu để phát triển chung.
Theo đó, CIEM đề xuất, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách mua sắm công theo hướng thúc đẩy công nghệ mới, từ đó tạo cơ hội cho các DN công nghệ mới phát triển. Các cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ công đặt hàng các DN cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn như: đặt xe, các chương trình đào tạo e- learning, bệnh viện công sử dụng Health Tech; thực hiện các dự án thành phố thông minh…
Đối với quản lý, Nhà nước cần hợp tác cùng DN để nắm bắt thông tin, xây dựng khung khổ thể chế cần thiết, vừa tạo hành lang pháp lý kinh doanh vừa hạn chế rủi ro cho xã hội. Các quy định kinh doanh không phù hợp cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung; ban hành các quy định mới hoặc khung khổ thể chế thử nghiệm. Dùng chính sách thuế để thu hút nhân lực, nhất là người Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới ở nước ngoài về làm việc; nâng cao chất lượng đào tạo…
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong DN, CIEM cho rằng, Nhà nước cần thực hiện theo hình thức miễn thuế cho dự án đầu tư, nâng cấp công nghệ của DN thay vì trích lập quỹ phát triển KHCN. Truyền thông, giới thiệu các giải pháp công nghệ hữu ích đến DN…
Tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược Công ty Infinity Blockchain Lads cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain, minh bạch quy trình sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm ./.