Cải cách thể chế để mở đường cho ngành dược “bùng nổ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển công nghiệp dược, có thể trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực, với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa giấc mơ này vẫn là thách thức lớn.
Hệ sinh thái của ngành dược phẩm đã và đang phát triển rõ rệt trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang
Hệ sinh thái của ngành dược phẩm đã và đang phát triển rõ rệt trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang

Đây là một trong những nội dung tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” diễn ra cuối tuần này, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cùng đại diện các bộ, ngành, Chính phủ tập trung thảo luận để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược trong thời gian tới.

Việt Nam có thể trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của ASEAN

KPMG - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - vừa công bố Báo cáo đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam. Trong đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng của ngành tương ứng với các kịch bản kinh doanh.

Cụ thể, ở kịch bản kinh doanh ổn định, ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ hồi phục mức tăng trưởng 10 - 12%/năm như trước dịch Covid-19, đạt 14 - 21,6 tỷ USD trong năm 2045.

Kịch bản sáng sủa hơn là ngành có thể đạt mức tăng trưởng đột phá từ 15 - 20%/năm với tổng giá trị 40,8 - 113,3 tỷ USD vào năm 2045, trong đó dược phẩm phát minh đóng góp 10,1 - 28,8%.

Dẫn chứng cho các dự báo này, KPMG phân tích, về quy mô thị trường, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia dẫn đầu châu Á về tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế và Chính phủ đang tiếp tục nâng lên 93,2% và 95,15% lần lượt vào năm 2023 và 2045, đồng thời duy trì khả năng chi trả và đảm bảo tài chính bền vững. Thị trường Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu dân. Thu nhập khả dụng của người dân đã tăng lên nhanh chóng trong những năm qua và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh, từ đó thúc đẩy chi tiêu cho dịch vụ y tế...

Thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị từ 5,4 tỷ USD năm 2018 lên 6,5 tỷ USD năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng kép là 6,5%, trong đó, ngành dược phẩm phát minh đóng góp 1,16 tỷ USD. Cùng với đó, hệ sinh thái của ngành dược phẩm đã và đang phát triển rõ rệt trong thời gian qua với hơn 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý và hơn 62.000 điểm bán lẻ.

“Hầu hết các lãnh đạo DN trong ngành dược phẩm được phỏng vấn đều cho rằng việc đầu tư vào thị trường Việt Nam có triển vọng tích cực”, Báo cáo của KPMG nêu.

Bên cạnh đó, từ bài học Covid-19, để phân tán rủi ro và hướng đến phát triển bền vững, đại diện một công ty dược phẩm lớn tại Hà Nội chia sẻ, DN này đang làm việc với các hãng dược phẩm nước ngoài để lên kế hoạch hợp tác đặt nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm nhập khẩu.

Cải biến thách thức thành cơ hội thu hút đầu tư

Để đạt được kịch bản thứ hai, theo KPMG, Việt Nam cần có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện và chính sách khuyến khích phát triển ngành dược phẩm phát minh, thu hút được các công ty dược phẩm nước ngoài thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Mối lo ngại chung của lãnh đạo các DN trong ngành y tế và dược phẩm khi xem xét thiết lập hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam và các chương trình chuyển giao công nghệ liên quan đến thủ tục xin giấy phép thử nghiệm lâm sàng theo Thông tư số 29/2018/TT-BYT còn phức tạp và tốn thời gian. Quy trình xét duyệt chưa đầy đủ dẫn đến bộ phận chuyên gia xét duyệt bị hạn chế và hệ quả là chậm trễ kéo dài.

Mặt khác, Việt Nam thiếu các hệ sinh thái hỗ trợ và kết nối trong ngành công nghiệp dược như: thiếu khuôn khổ pháp lý hoặc hệ thống khuyến khích rõ ràng về hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, thiếu trung tâm nghiên cứu tập trung, thiếu nguồn nhân lực nghiên cứu lâm sàng và phát triển ngành dược, chưa có hiệp hội thử nghiệm lâm sàng trung ương… Theo KPMG, những thách thức này cản trở các hãng dược phẩm tìm hiểu, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Để vượt qua các thách thức nêu trên và đạt được kịch bản kỳ vọng, KPMG cho rằng, Việt Nam cần tăng cường năng lực nội địa và thúc đẩy tăng trưởng thông qua nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngành dược phẩm phát minh sẽ chủ yếu đổ vào 3 lĩnh vực chính là: sử dụng thử nghiệm lâm sàng làm đòn bẩy phát triển ngành dược phẩm; thiết lập cơ sở sản xuất nội địa; tài trợ kinh phí cho giáo dục y khoa và các chương trình hỗ trợ bệnh nhân.

Một số DN cho rằng, ngành dược cần các ưu đãi rõ ràng hơn, chẳng hạn như ưu đãi trong đấu thầu, hay chỉ tiêu hạn ngạch cần thiết để phát triển. Về mặt kỹ thuật, nên ban hành các hướng dẫn kiểm tra chất lượng cho một số sản phẩm được sản xuất trong nước trước khi kế hoạch đó được thực hiện.

Trước đó, theo khuyến nghị của Tiểu ban Dược phẩm (Pharma Group) thuộc Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) với VBF, để phát triển ngành dược bền vững và thu hút đầu tư, Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng, có thời hạn với các mục tiêu có thể định lượng. Cụ thể như cắt giảm thời gian phê duyệt giấy phép lưu hành và cập nhật liên tục danh sách hoàn trả hồ sơ; tăng khả năng tiếp cận thuốc phát minh cho bệnh nhân thông qua các kênh khác nhau; loại bỏ rào cản hành chính để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và cung cấp khả năng dự đoán cho việc mua sắm. Đồng thời, áp dụng các thông lệ tốt toàn cầu để cải thiện quy trình quản lý, tối ưu hóa nguồn lực, duy trì giám sát chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc…

Tin cùng chuyên mục