Cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ nhanh những điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù có cải thiện, song môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2023 nhằm duy trì nỗ lực cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại và vươn lên trên thương trường.
Từ năm 2020 đến nay, những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại. Ảnh: Tiên Giang
Từ năm 2020 đến nay, những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại. Ảnh: Tiên Giang

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ.

Theo Báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những “điểm nghẽn” trong hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Từ năm 2020 đến nay, những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại. Theo đó, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh ít được quan tâm hơn và ít chuyển biến.

Đặc biệt, từ giữa năm 2022, DN gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng DN tạm dừng hoạt động gia tăng kéo theo nhiều tác động xã hội, nhưng mức độ quan tâm của một số bộ, ngành, địa phương về vấn đề này có dấu hiệu chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng.

“Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho DN mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, DN chưa thực sự có niềm tin vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh”, Báo cáo nêu.

Thông tin về tình hình cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại: “Nhiệm vụ này trong năm 2022 chưa có nhiều chuyển biến. Số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN”.

Theo bà Thảo, rà soát các văn bản pháp lý về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cho thấy, số lượng ngành nghề nêu trong Danh mục của Luật Đầu tư năm 2020 ít hơn nhiều số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành. Trên thực tế, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học…

Cùng với đó, rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật chưa được tháo gỡ vẫn là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho DN và dẫn đến khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư.

Đồng tình với nhận xét này, ông Lê Anh Văn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật dẫn đến các cách hiểu khác nhau của các bộ, ngành và địa phương, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh việc điểm tên các “điểm nghẽn”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, những thách thức lớn từ bất ổn địa chính trị, lãi suất, lạm phát gia tăng ở mức cao, cùng với đó cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước chậm chuyển biến đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bất cập về môi trường kinh doanh khác đang ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại, phát triển của DN. Cụ thể là: DN cạn vốn, khó tiếp cận vốn; chậm hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra có xu hướng gia tăng; thủ tục giải thể DN phức tạp...

Số liệu vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cập nhật càng làm rõ hơn những khó khăn, thách thức đang “bủa vây” DN. Theo đó, số lượng DN rút lui khỏi thị trường trong năm 2022 tăng 19,5% so với năm 2021, với 143.198 DN, gấp 1,6 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021.

Dự báo năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn; do đó, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần những giải pháp cụ thể hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2023 nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng thêm “trợ lực” cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn và phát triển.

Tin cùng chuyên mục