Sự chuyên nghiệp và liêm chính của cán bộ có thể giúp thay đổi cảm nhận về tham nhũng, tác động đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp. Ảnh: Chi Lê |
Quan ngại về tham nhũng tại Việt Nam
Mặc dù Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2018 tại Việt Nam giảm nhẹ so với năm 2017, nhưng theo TI, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Ghi nhận việc xử lý các vụ đại án tham nhũng trong một năm qua và nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý bằng việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhưng tổ chức quốc tế này cho rằng, tham nhũng vẫn là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam.
Cảm nhận này cũng phản ánh khá sát đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong Báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu năm 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào cuối tháng 12/2018.
Theo đó, trong số 2.832 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 56% doanh nghiệp cho biết không chi trả chi phí ngoài quy định, 26% doanh nghiệp chọn phương án “không biết” và 18% thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định. Trong số các lựa chọn “có”, 40% các đại lý hải quan và 28% doanh nghiệp dịch vụ logistics cho biết phải trả thêm chi phí ngoài quy định. Chi phí “ngoài luồng” này doanh nghiệp chủ yếu chi trả khi thực hiện thủ tục thông quan (kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa với tỷ lệ lần lượt là 83,5% và 87,53%), thủ tục kiểm tra sau thông quan (51,64%), thủ tục quản lý thuế (hoàn thuế, quyết toán thuế với tỷ lệ lần lượt là 48,8% và 36,76%)...
Việc doanh nghiệp chấp nhận chi trả khoản chi phí “ngoài luồng” là cái cớ để các công chức nhà nước “vòi vĩnh”, tạo nên tình trạng tham nhũng vặt. Thực tế, nếu không chi trả chi phí ngoài quy định, 15% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ bị phân biệt đối xử khi thực hiện các thủ tục hải quan như kéo dài thêm thời gian làm thủ tục, gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau, hay yêu cầu nộp thêm giấy tờ, chứng từ không theo quy định...
Làm gì để thay đổi?
Để thay đổi thực trạng và cảm nhận về sự thay đổi này, TI khuyến cáo, cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung xử lý thực sự nghiêm minh và công bằng các vụ án tham nhũng. Việt Nam cũng cần thực hiện kết hợp các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả như: tăng cường liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Muốn giảm bớt tình trạng tham nhũng vặt, đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI - ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI) kiến nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. 70% doanh nghiệp kỳ vọng vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, 53% doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, ngày càng có nhiều thủ tục hành chính được thực hiện liên thông trong Hệ thống thông tin một cửa quốc gia... Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh, một trong ba yếu tố tác động đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp, đó là “sự chuyên nghiệp và liêm chính của cán bộ”.