Lũy kế giải ngân Dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) là 5.251,92 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Song Lê |
TP.HCM cho biết, lũy kế giải ngân Dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) là 5.251,92 tỷ đồng. Dự kiến, nhu cầu vốn cần giải ngân để triển khai giai đoạn 2026 - 2030 là từ 28.848,91 tỷ đồng - 29.817 tỷ đồng; giai đoạn 2031 - 2035 là 12.601,96 tỷ đồng.
Để huy động vốn cho Dự án, TP.HCM dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) thay thế nguồn vốn vay lại vốn vay ODA của Chính phủ. Đối với giai đoạn 2031 - 2035, TP.HCM sẽ rà soát khả năng cân đối các nguồn thu ngân sách bố trí cho kế hoạch đầu tư công, bao gồm các nguồn thu ngân sách bố trí cho đầu tư phát triển, nguồn thu từ đất, trong đó bao gồm thu từ đất do phát triển TOD…
Theo báo cáo của HFIC, Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của CQĐP, có 2 phương thức phát hành trái phiếu CQĐP là đấu thầu phát hành và bảo lãnh phát hành. “Các đợt phát hành trái phiếu CQĐP trước đây của Thành phố chủ yếu thực hiện theo phương thức bảo lãnh phát hành do khối lượng phát hành mỗi năm không nhiều (từ 2.000 - 3.000 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, với khối lượng phát hành trái phiếu CQĐP dự kiến khoảng 30.669 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện Dự án Metro số 2, phương thức bảo lãnh phát hành khó có thể triển khai được”, HFIC nhận định.
Do đó, theo HFIC, phương thức đấu thầu phát hành trái phiếu CQĐP sẽ phù hợp hơn. Tuy vậy, cần xây dựng kế hoạch phát hành phân kỳ trong năm phù hợp theo tiến độ và nhu cầu nguồn vốn thực tế của Dự án để bảo đảm tính khả thi của phương án phát hành cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Trên thị trường sơ cấp, bình quân giai đoạn 2021 - 2024, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ khoảng 288 nghìn tỷ đồng/năm (dự kiến tiếp tục tăng trong giai đoạn 2026 - 2030) để đáp ứng nhu cầu giải ngân kế hoạch đầu tư công cho các dự án lớn trọng điểm và phục vụ nhu cầu thanh toán trái phiếu đáo hạn). Trong bức tranh trên, HFIC cho rằng việc phát hành trái phiếu CQĐP để thực hiện riêng cho Dự án Metro số 2 bình quân khoảng 6.000 tỷ đồng/năm (theo tổng quy mô phát hành dự kiến là 30.669 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030) và biên độ lãi suất so với lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ gần nhất là “có khả năng thu hút nhà đầu tư”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia Trần Du Lịch nhận định, phương thức phát hành trái phiếu CQĐP là lựa chọn đúng đắn của TP.HCM. Các dự án metro đã triển khai phụ thuộc vào vốn vay viện trợ nên TP.HCM gặp nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền, khiến dự án kéo dài. Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, việc phát hành trái phiếu CQĐP, thậm chí là trái phiếu quốc tế sẽ là phương thức huy động vốn hiệu quả cho phát triển hạ tầng. Nhất là các dự án metro này sẽ dần hình thành các đô thị TOD đầu tiên của Việt Nam, thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị cho TP.HCM, là sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.