Ảnh Internet |
Tổng cục Hải quan vừa ra thông báo liên quan đến nội dung về việc xử lý vi phạm cán bộ thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội đánh tráo tang vật ngà voi. Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Hải quan, nhiều tang vật vi phạm đã được cơ quan Hải quan thu giữ. Việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm đã được quy định chặt chẽ tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Theo đó, trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu đã được quy định cụ thể.
Vừa qua, đã xác định được ông Phạm Minh Hoàng là công chức thuộc Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm được giao nhiệm vụ làm thủ kho hàng tạm giữ đã thực hiện hành vi tự ý phá niêm phong lô hàng tạm giữ và tráo đổi, bán tang vật là ngà voi và sản phẩm từ ngà voi đang lưu trữ quản tại kho hàng tạm giữ của Cục Hải quan TP. Hà Nội.
Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Minh Hoàng và báo cáo về Tổng cục Hải quan. Ngày 4/8/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phạm Minh Hoàng về hành vi “Tham ô tài sản”.
Quan điểm của Tổng cục Hải quan là xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở báo cáo của Cục Hải quan TP. Hà Nội và các căn cứ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5256/TCHQ-TCCB ngày 8/8/2017 yêu cầu Cục Hải quan TP. Hà Nội thực hiện tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Minh Hoàng theo thời hạn tạm giam của Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội.
Đồng thời, lãnh đạo ngành Hải quan yêu cầu Trưởng phòng (người đứng đầu) và Phó Trưởng phòng (cấp phó của người đứng đầu) Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm: Kiểm điểm, xác định trách nhiệm và đơn vị xem xét xử lý trách nhiệm khi để vụ việc, công chức vi phạm thuộc đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách theo quy định.
Các đơn vị phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định và việc thực hiện các quy định liên quan đến việc quản lý kho hàng tạm giữ tang vật vi phạm của Cục Hải quan TP. Hà Nội trong thời gian vừa qua để phát hiện những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng, chủ động tự hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ và tổ chức chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm, không để vụ việc tương tự xảy ra. Các đơn vị cần tiếp tục phối hợp với Cơ quan Công an TP. Hà Nội điều tra, xác minh đối tượng có liên quan và thu hồi tang vật, khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, ngay sau khi vụ việc tại Cục Hải quan TP. Hà Nội xảy ra, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có công văn số 5257/TCHQ-TCCB ngày 8/8/2017 yêu cầu các đơn vị trong ngành Hải quan tăng cường hơn nữa công tác rà soát, kiểm tra, kiểm kê các mặt hàng tang vật vi phạm. Theo đó, các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra, kiểm kê lại các mặt hàng tang vật vi phạm hiện đang trong kho tạm giữ của đơn vị mình để phát hiện vi phạm (nếu có).
Nếu phát hiện vi phạm thì thực hiện ngay việc xác định cụ thể danh tính vi phạm; tính chất, mức độ hậu quả vi phạm; tổ chức kiểm điểm, thực hiện quy trình xử lý kỷ luật công chức theo thẩm quyền. Đồng thời, cần yêu cầu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị để vụ việc, công chức vi phạm thuộc đơn vị, lĩnh vực do mình phụ trách, kiểm điểm, xác định trách nhiệm và đơn vị xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan theo quy định.
Phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định và việc thực hiện các quy định liên quan đến việc quản lý kho hàng tạm giữ tang vật vi phạm của đơn vị mình trong thời gian qua, để phát hiện những sơ hở, bất cập để chủ động khắc phục hoặc báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, không để vi phạm tương tự tái diễn.