Cần bổ sung nhiều điểm cho Quyết định thay thế Quyết định 33 của UBND TP.HCM

(BĐT) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Quyết định thay thế Quyết định 33/2014/QĐ-UBND sau khi được ban hành sẽ đảm bảo quyền và nhu cầu của người sử dụng đất ở được tách thửa, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, tuy nhiên cần phải bổ sung thêm nhiều điểm.
Có hiện tượng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để kinh doanh BĐS thông qua tách thửa đất ở. Ảnh Ngô Ngãi
Có hiện tượng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để kinh doanh BĐS thông qua tách thửa đất ở. Ảnh Ngô Ngãi

Tuy nhất trí với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đối với thửa đất ở có diện tích lớn, từ 2.000 m2 trở lên thì chủ đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở, nhưng HoREA cho rằng, để góp phần hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 33, cần phải bổ sung khoản 1 (mới) vào điều 5 quy định: "Tách thửa đất ở có diện tích từ 2.000 m2 trở lên thì người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định pháp luật có liên quan".

Quyết định 33 và dự thảo lần này đều có sự phân biệt diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với thửa đất ở có nhà ở hiện hữu, đối với thửa đất ở chưa có nhà ở. Theo HoREA, không cần thiết phân biệt diện tích thửa đất ở hình thành sau khi tách thửa là thửa đất đã có nhà ở, hoặc thửa đất chưa có nhà ở, mà nên áp dụng một tiêu chuẩn diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đất ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu theo hướng như vậy, sẽ làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt quy trình công tác xét duyệt của cơ quan nhà nước và chấm dứt được tình trạng người sử dụng đất đối phó bằng cách xây nhà tạm để được tách nhiều thửa đất ở nhỏ hơn như trong thời gian qua.

Chưa hết, ông Châu cho biết thêm, Quyết định 33 trước đây cũng có điểm bất hợp lý khi cấu trúc khoản 1 điều 4 là điều khoản về tổ chức thực hiện: "Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố hoặc khi thừa kế thì giải quyết như sau: UBND quận, huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện để hợp khối, cảnh quan khu vực và quy chuẩn xây dựng để giải quyết, nhưng diện tích tối thiểu của thửa đất hình thành không nhỏ hơn 25 m2", mà lẽ ra cần được quy định tại điều 3 là điều khoản về tiêu chuẩn tách thửa thì hợp lý hơn.

Trong khi đó, dự thảo hiện nay cũng có cấu trúc tương tự, do vậy, HoREA đề nghị đưa khoản (1.b) điều 7 về tổ chức thực hiện của dự thảo thành khoản 6 (mới) của điều 5 "Quy định về tách thửa các loại đất" thì hợp lý hơn với nội dung như sau: "Tách thửa đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn: diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại và thửa đất mới hình thành sau khi tách thửa không nhỏ hơn 25m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m đối với đất ở và không nhỏ hơn 300m2 đối với đất nông nghiệp". Như vậy, khoản (1.b) điều 7 dự thảo chỉ còn nội dung: "UBND quận, huyện xem xét điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của khu vực để giải quyết trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn cho phù hợp".

Đặc biệt, HoREA cho biết, trong thời gian qua, có hiện tượng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua tách thửa đất ở, thậm chí đã có cả việc khai thấp giá trị giao dịch để tránh nộp nhiều thuế. Các đầu nậu này thực sự có hoạt động kinh doanh bất động sản thường xuyên, liên tục, nhưng nấp bóng chủ đất, không thành lập doanh nghiệp nên cơ quan chức năng không quản lý được, nhà nước bị thất thu thuế. Do vậy, HoREA đề nghị UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn có biện pháp kiểm soát tình trạng đầu nậu hoặc doanh nghiệp nấp bóng chủ đất để thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua tách thửa đất ở, và hướng các đầu nậu này thành lập doanh nghiệp để quản lý.

Tin cùng chuyên mục