Từng là niềm kỳ vọng lớn của ngành hóa chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình chìm sâu cơn lỗ. Đầu năm 2017, sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Đạm Ninh Bình bắt đầu gượng dậy sản xuất nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty Đạm Ninh Bình, lỗ lũy kế của nhà máy này tính đến hết năm 2016 là 3.163 tỷ đồng, trong đó số lỗ lớn nhất là năm 2016 với hơn 1.078 tỷ đồng, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động 5 tháng liền.
Toàn bộ dây truyền nhà máy tại thời điểm hiện tại đã đi vào vận hành, chạy tải hơn 90% công suất.
Lượng phân bón của nhà máy đạm này được đưa ra thị trường hiện có giá bán là 6,7 triệu đồng/tấn, mức giá thời điểm hiện tại đã cao hơn từ 800 đồng - 1.500 đồng so với thời điểm trước năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, do chi phí khấu hao lớn nên năm 2017 chưa phải là năm Nhà máy này có lãi.
Trong thời gian dừng hoạt động do thua lỗ và sản xuất không bù chi phí đầu vào, một số hạng mục của nhà máy đã có biểu hiện xuống cấp
Theo lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình, các hạng mục, công nghệ chính của nhà máy là công nghệ của các nước phát triển, nằm trong khối G7 như Hà Lan, Đức, Ý... Tuy nhiên, tại một số hạng mục phụ, như thiết bị điện chiếu sáng này là thiết bị của nhà thầu Trung Quốc
Được biết, lượng phân bón sản xuất của Nhà máy này hiện tại không còn dư thừa, sản xuất ra đến đâu được bán hết đến đó
Là cánh chim đầu đàn của ngành phân bón, nhưng trong năm 2016, Đạm Hà Bắc đột nhiên lỗ gần 1.000 tỷ đồng và doanh nghiệp (DN) này đã trở thành 1 trong danh sách 4 con cưng của Tập đoàn Hóa chất bị “kiểm soát đặc biệt”.
Hiện tại, mức lương công nhân nhà máy này đã được cắt giảm cùng với quá trình tái cơ cấu mọi mặt của nhà máy.
Hiện này, dù sản xuất 3 ca, với sản lượng gấp đôi thời điểm cùng kỳ năm trước, nhưng do suất đầu tư lớn, cộng hưởng với giá sản phẩm hạ, nên nhà máy này vẫn phát sinh lỗ lớn.
Hiện nay, dù chưa hết thời gian bàn giao dây chuyền nhà máy giữa nhà thầu Trung Quốc với phía Việt Nam, nhưng theo nhiều công nhân tại đây, một số chi tiết máy móc phụ trợ đã phải thay thế, trách nhiệm này thuộc các nhà thầu Trung Quốc
Những thiết bị hỏng hóc trong quá trình vận hành khi chưa bàn giao, bắt buộc nhà thầu phải đổi trả thiết bị mới hoặc đền bù.
Theo lãnh đạo của Nhà máy DAP Hải Phòng, số lỗ đến hết năm 2016 của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng do thị trường phân bón mất giá nhanh, phân bón xuống thấp, trong khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Cộng với đó là hạn chế về quản trị chi phí sản xuất, kế hoạch thị trường yếu kém.
Toàn bộ công nhân Nhà máy DAP hiện đang rất trông chờ vào kế hoạch tái cơ cấu, đặc biệt là giải pháp để giảm thiểu tác động của giá thị trường đến giá phân bón trong nước
Theo lãnh đạo DN này, kể từ khi Chính phủ, các bộ, ban ngành đưa họ vào diện "kiểm soát đặc biệt", họ rất khó khăn trong tìm kiếm bạn hàng, gia hạn các hợp đồng mới. Một số Ngân hàng thương mại là đối tác không tiếp tục cho vay vốn để duy trì sản xuất, trong khi giá phân DAP đang tăng, cơ hội vực dậy của nhà máy đang rõ nét.
Cũng chung bối cảnh thua lỗ nặng nề như Nhà máy DAP Hải Phòng, Nhà máy DAP Lào Cai cũng đang phải vật lộn với vấn đề: giá, lương và tiền trong quản lý, vận hành nhà máy có vốn cổ phần Nhà nước rất lớn dù đã được cổ phần hoá
Theo lãnh đạo của DN này, nguyên nhân phát sinh thua lỗ đến từ thị trường là chính. Vấn đề quản trị của doanh nghiệp này đã bắt đầu được tái cơ cấu ngay trong năm 2014 đến 2016, tuy nhiên, cú sốc về thị trường vẫn đến với họ.
Hiện, sản xuất của Nhà máy phân đạm DAP Lào Cai đã đi vào ổn định, doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2017 - 2018 sẽ không còn lỗ, hòa vốn và có lãi.