Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam |
Mới nhất, tại TP. Hà Nội, HSMT gói thầu mua sắm thang máy lắp đặt cho Nhà hiệu bộ A2 do Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 1 mời thầu đưa ra tiêu chí “nhập khẩu 100% và các bộ phận chủ yếu cấu thành hệ thống thang máy chào thầu phải cùng 1 hãng sản xuất”. Theo tôi, đây là tiêu chí không dựa trên đặc tính kỹ thuật hay thể hiện chất lượng sản phẩm. Cũng tại HSMT gói thầu này còn tồn tại bất cập ở chỗ hàng hóa nhưng lại cần chứng nhận CO/CQ và giấy tờ thông quan.
Trước đó, hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở một số gói thầu thang máy trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng… Hệ quả là quá trình chấm kỹ thuật, đơn vị tư vấn đấu thầu, bên mời thầu diễn giải các tiêu chí theo nhiều cách hiểu khác nhau gây khó cho nhà thầu. Đặc thù lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghiệp lớn là không một hãng tự mình sản xuất tất cả các linh kiện mà chỉ sản xuất phần linh kiện chính yếu, có giá trị gia tăng cao nhất, còn lại là đặt hàng trong chuỗi giá trị công nghiệp phụ trợ. Với cách mời thầu như vậy, thang máy sản xuất trong nước không thể chen chân để có cơ hội giành phần thắng. Đồng thời tạo ra sự phân biệt đối xử, không công bằng với hàng sản xuất trong nước, trái với quy định của Luật Đấu thầu và đi ngược lại tinh thần Cuộc vận đồng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trước sự tái diễn “bệnh” phân biệt đối xử với hàng Việt trong đấu thầu, chúng tôi tích cực kiến nghị và nhận được sự phản hồi tích cực từ các cơ quan hữu trách. Hy vọng với việc áp chế tài mạnh tay, có tính răn đe cao thì tình trạng phân biệt đối xử với hàng Việt sẽ lắng xuống và đảm bảo công bằng trong đấu thầu mua sắm thang máy.