Cần chính sách đột phá để hợp tác xã phát triển

(BĐT) - Ngày 14-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Lê Tiên
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện cả nước có 22.463 hợp tác xã; trong đó có 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 9.000 hợp tác xã phi nông nghiệp... Các hợp tác xã đang đóng góp 10% GDP của cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu người… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực nội tại còn yếu, sự liên kết giữa các hợp tác xã còn thấp…Ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách còn bất cập, nhiều hợp tác xã hiện nay có quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn hạn chế; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Để khắc phục những hạn chế trên, giúp các hợp tác xã phát triển bền vững, hội nhập với nền kinh tế quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường… bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay của các hợp tác xã là không ngừng nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất khoa học, phù hợp với nguồn lực hợp tác xã. Bên cạnh đó, các hợp tác xã phải minh bạch tài chính tạo niềm tin, động lực cho các thành viên trong hợp tác xã và đối tác liên kết phát triển…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng uản trị Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (tỉnh Bạc Liêu) đề nghị các cấp, các ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được thuê đất xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh…Liên quan vấn đề huy động nguồn lực để phát triển, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dương Liễu (thành phố Hà Nội) đề nghị các cấp, các ngành sửa đổi quy định nâng mức vốn góp cao hơn 20% để người góp vốn có trách nhiệm và gắn bó với hợp tác xã; đồng thời, có chế độ ưu đãi về thuế thu nhập, đất đai, phí và lệ phí cho các hợp tác xã…

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, kinh tế hợp tác xã là thành phần quan trọng, có vai trò chiến lược, đưa nền kinh tế nhỏ phát triển. Để kinh tế tập thể phát triển, các hợp tác xã phải gắn kết với cộng đồng thôn, bản, ngành nghề. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có chính sách đột phá, giúp các hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, đất, khoa học công nghệ. Muốn vậy phải có quỹ, không thể trông cậy các ngân hàng thương mại. Trao quyền cho các hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào, giao một phần tham gia đầu ra, cổ phần hóa, chuỗi phân phối…

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế tập thể chưa thật sự phát triển, trong đó có việc chưa quan tâm đúng mức về chính sách, nhận thức và quan tâm không đồng đều đối với HTX. Để giúp HTX phát triển phải loại bỏ những khó khăn, tồn tại của mô hình HTX, cần có nhiều chính sách, ưu tiên ưu đãi hơn, cơ chế tài chính phải rõ ràng, minh bạch, cần rà soát lại bỏ những DN núp bóng mô hình HTX. Việc sửa luật HTX sắp tới cần chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại cần phải sửa, cơ chế ưu đãi, ưu tiên phải rõ ràng và đưa những chính sách này đi vào cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục