Cần cơ chế đặc thù cho các chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 28/8, Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Hải Minh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Hải Minh

Theo Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Hội nghị, tổng vốn nguồn ngân sách trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững) là hơn 83.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình ước đạt 16.000 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch).

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, các địa phương phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù tại Kỳ họp thứ 6 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Tin cùng chuyên mục