Giáo sư Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University, Hoa Kỳ |
Nói riêng trong ngành nông nghiệp, để có thể phát triển ở một quy mô lớn, doanh nghiệp buộc phải áp dụng công nghệ cao vào chu trình sản xuất, làm ra các loại sản phẩm với yếu tố đầu vào đạt tiêu chuẩn thì mới có thể tiếp cận được thị trường quốc tế và được người tiêu dùng tin tưởng. Việc áp dụng và ứng dụng công nghệ để doanh nghiệp nông nghiệp làm chủ được 100% quy trình sản xuất và sản phẩm của mình đòi hỏi phải có một nguồn lực đầu tư rất lớn, một chiến lược phát triển lâu bền. Tự thân doanh nghiệp với cách làm và tư duy truyền thống sẽ không làm được.
Theo tôi, Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích đặc thù để thu hút nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính có thể ứng dụng được các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chuyển đổi số, cơ giới hóa nông nghiệp, “chuẩn hóa” sản phẩm nông nghiệp từ yếu tố đầu vào, từ đó xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Trước mắt, cần xây dựng Chiến lược quốc gia về kinh tế số nông nghiệp; xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia lấy công nghệ làm nền tảng và công cụ phát triển (tức là có trung tâm mạng chuyển đổi số nông nghiệp quốc gia, nơi tất cả người dân, doanh nghiệp nông nghiệp có thể tra cứu thông tin, tham khảo tri thức, tiếp cận thị trường và các phát minh khoa học nông nghiệp). Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình đào tạo về chuyển đổi số, quản trị số mạnh hơn cho ngành nông nghiệp và hình thành các thửa ruộng, các nhà vườn có quy mô lớn, đủ sức áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động của ngành cũng như của nền kinh tế.