Ông Vương Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trường Phát
Có nhiều nguyên do dẫn tới tình trạng này, trong đó, nợ đọng phát sinh nhiều nhất do sự chậm trễ ở khâu nghiệm thu, thanh toán. Đáng ngại hơn là thủ tục bố trí vốn hàng năm cho các dự án chuyển tiếp khi địa phương hụt nguồn nên khó khăn. Thêm nữa, ở nhiều dự án do chủ trương đầu tư được phê duyệt đã lâu, trong khi giá vật liệu xây dựng thị trường biến động tăng mạnh; nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sau đó mới bố trí được vốn. Quá trình này làm mất nhiều thời gian, trong khi nhà thầu đã thực hiện xong khối lượng nhiều hạng mục và chờ bố trí nguồn vốn để thanh toán. Ở một số dự án, chủ đầu tư chưa đặt mức độ quan tâm cao nhất đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ dự án đã hoàn thành, bàn giao. Ngoài ra, khâu thủ tục, điều kiện thanh quyết toán rườm rà, chậm. Thực tiễn cũng có trường hợp chiếm dụng vốn, trì hoãn thanh toán dù khối lượng xây dựng đã xong và chốt công nợ.
Việc không được thanh toán kịp thời khối lượng công việc đã nghiệm thu khiến nhà thầu chịu nhiều áp lực vì khi thực hiện dự án, gói thầu, đa phần họ phải vay ngân hàng, thậm chí là vay “nóng” với lãi suất cao. Đặc biệt, nhà thầu là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ rất dễ rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính, rủi ro vỡ nợ. Trong bối cảnh đó, tình trạng nợ chồng nợ không chỉ ảnh hưởng tới nhà thầu xây dựng mà còn gây hệ lụy đối với ngân hàng, nhà cung cấp vật tư…
Chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế quản trị nợ đọng xây dựng và cần thiết phải có đánh giá, xếp hạng uy tín chủ đầu tư, nhà thầu một cách độc lập, tin cậy. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà thầu xây lắp khi đưa ra quyết định có dự thầu hay không.