Công ty TNHH Hòa Bình rao bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với giá khởi điểm 250 triệu USD. Ảnh: H. Bình |
Những đồng dự trữ cuối cùng
Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh giá bán tài sản là bất động sản (BĐS) từ 135 tỷ đồng xuống còn 75 tỷ đồng để thanh toán nợ cho các trái chủ. Tập đoàn Thái Tuấn là một trong nhiều DN lên kế hoạch thanh lý tài sản trong năm nay để duy trì hoạt động kinh doanh.
Trước đó, ngày 26/4/2023, Tập đoàn Thái Tuấn đã thông báo với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán 2 lô trái phiếu ký hiệu TTDCH2122001 và TTDCH2122002 do chưa thu xếp được nguồn vốn. Cụ thể, lô trái phiếu TTDCH2122001 đáo hạn ngày 12/10/2022, có giá trị phát hành là 300 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm đáo hạn hơn 316 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được hơn 1 tỷ đồng tính đến ngày 26/4/2023. Lô còn lại đáo hạn ngày 20/11/2022, dư nợ tại thời điểm đáo hạn hơn 526 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 26/4/2023, Công ty mới thanh toán được hơn 29 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết, ngày 12/4/2023, Tập đoàn Thái Tuấn đã cùng các trái chủ thông qua nghị quyết chấp thuận điều chỉnh giá bán các tài sản đảm bảo là nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 7, 8, 9 Trang Tử, Phường 14, Quận 5, TP.HCM từ 135 tỷ đồng xuống còn 75 tỷ đồng, đồng thời cho phép Công ty kéo dài thời hạn thanh toán số tiền gốc và lãi trái phiếu còn lại sau khi thanh toán 75 tỷ đồng từ việc bán các tài sản thế chấp.
Cũng không thể thực hiện đúng hạn các nghĩa vụ với trái chủ, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã có kế hoạch phát mại tài sản đảm bảo của lô trái phiếu ký hiệu AGMH2123001. Kế hoạch này đã được thông qua tại Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu vào đầu tháng 2/2023. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là quyền sử dụng đất của Công ty và BĐS của bên thứ ba. Ngoài ra, trong năm nay, Công ty cũng có kế hoạch bán một loạt tài sản, trong đó có những tài sản lớn như Nhà máy Chế biến lúa gạo Đa Phước (giá dự kiến 65 tỷ đồng), Nhà máy Chế biến lương thực Đồng Tháp (giá dự kiến 100 tỷ đồng).
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình đã rao bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với mức giá khởi điểm 250 triệu USD. Theo vị đại gia này, đây là mức giá “rất rẻ”, nếu không phải thời điểm này không bao giờ ông bán. Chia sẻ trước truyền thông, ông Đường cho biết, nguyên nhân rao bán khách sạn dát vàng là do dự án nhà ở xã hội của Công ty chưa được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép xây dựng, DN rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản. Theo thông tin của Báo Đấu thầu, đến nay thương vụ này vẫn chưa hoàn thành.
Thái Tuấn, Angimex, Hòa Bình là 3 trong nhiều DN có lịch sử hoạt động nhiều năm, có thương hiệu trên thương trường, đang phải hòa mình vào làn sóng thanh lý tài sản để có dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì DN nói rất thẳng thắn rằng, DN đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa rồi, bây giờ thì không còn gì nữa”.
Tình trạng doanh nghiệp phải bán tài sản cho các đối tác nước ngoài có thể tiềm ẩn vấn đề mất an toàn, an ninh kinh tế. Ảnh minh họa: NC st |
Cần thêm giải pháp hỗ trợ hiệu quả
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chuyện DN phải bán tài sản để gồng gánh nợ nần là điều đáng quan tâm trong bối cảnh thực hiện mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam, nội lực cho nền kinh tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ở khía cạnh khác, theo ông Tú Anh, đằng sau việc bán tài sản là bài toán kinh doanh của từng DN theo từng thời điểm. Hiện nay, nhiều DN đang gặp khó khăn, với khối tài sản không thể sinh lời hoặc sinh lời không đáng kể thì việc tính toán bán tài sản để có dòng tiền khắc phục các vấn đề hiện hữu hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư khác cũng là điều phù hợp. Thực tế, việc có thể bán được tài sản theo giá thị trường còn tốt hơn việc muốn bán mà khó tìm người mua, hay nói cách khác, các nhà đầu tư (người mua tài sản) vẫn nhìn nhận triển vọng kinh doanh tích cực nên mới muốn mua.
“Đến một ngày nào đó, sau khi vượt qua khó khăn, DN vẫn có thể tìm kiếm cơ hội mua lại tài sản đã từng bán. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, hầu hết các khách sạn 4 sao, 5 sao của Việt Nam đều về tay các ông chủ ngoại. Nhưng đến nay, nhiều ông chủ Việt đã mua lại các khách sạn lớn này. Việc mua bán tài sản là một giải pháp điều tiết thị trường trong lúc khó khăn, dù chúng ta không muốn điều đó xảy ra”, ông Tú Anh nói.
Dù vậy, ông Tú Anh cho rằng, thực tế khó khăn hiện nay là điều rất đáng quan ngại và cần các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, trong đó bao gồm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước thông qua việc ứng xử công bằng về chi phí tuân thủ hoạt động kinh doanh của DN trong nước và DN nước ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc DN hoạt động không hiệu quả và phải bán một phần tài sản để xoay xở là chuyện bình thường trên thương trường. Tuy nhiên, nếu DN tốt đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn mà buộc phải bán cả một cơ ngơi, một thương hiệu nhiều năm gây dựng là điều rất xót xa.
“Về lâu dài, tình trạng DN phải bán tài sản, thậm chí bán toàn bộ DN cho các đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính tạo nguy cơ mất an toàn, an ninh kinh tế. Chẳng hạn, các DN bất động sản lớn có chuỗi dự án ở vị trí đẹp, nằm ở trung tâm kinh tế của các địa phương, những nơi đắc địa, nếu chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh, an toàn... Trong xu hướng khó khăn chung của kinh tế thế giới hiện nay, DN Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi là điều khó tránh khỏi, song rất mong các cơ quan chức năng nỗ lực hỗ trợ để DN, người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, giảm hệ lụy đáng tiếc từ những thương vụ bán tài sản làm yếu sức cạnh tranh của DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.