Cần khách quan và công tâm đánh giá các trường hợp nhà thầu có cá nhân vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, một số cơ quan chức năng đã công khai các quyết định cấm đấu thầu đối với một số cá nhân sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả khi tham gia đấu thầu.

Theo các chuyên gia, việc cấm tham gia đấu thầu với các cá nhân vi phạm là chính đáng để kịp thời ngăn ngừa các nhân sự “dởm” thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhưng việc đánh giá và xử lý trách nhiệm liên đới của nhà thầu từng sử dụng loại nhân sự này nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, cần phải công tâm và khách quan để tránh loại bỏ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm khi vô tình sử dụng nhân sự “dởm” tham gia đấu thầu.

Việc dùng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả tham gia đấu thầu là “lỗi” vô tình, làm mất cơ hội việc làm tại một số gói thầu của các nhà thầu. Ảnh: Bích Thảo

Việc dùng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả tham gia đấu thầu là “lỗi” vô tình, làm mất cơ hội việc làm tại một số gói thầu của các nhà thầu. Ảnh: Bích Thảo

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, khi tuyển dụng nhân sự, nhà thầu không biết việc một số nhân sự sử dụng bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ giả mạo. Khi các loại giấy tờ này được bên mời thầu/chủ đầu tư xác minh thì nhà thầu mới biết. Khi được thông báo về hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả của các nhân sự, nhà thầu đã ngay lập tức sa thải nhân sự và có đề xuất về việc thay thế đối với các nhân sự này trong hồ sơ dự thầu nhưng không được bên mời thầu/chủ đầu tư chấp thuận. Việc ký hợp đồng lao động với nhân sự sử dụng bằng cấp giả, dùng nhân sự tham gia đấu thầu là “lỗi” vô tình, là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” chứ không phải là chủ đích của nhà thầu.

Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến, ở một số gói thầu xảy ra tình trạng hồ sơ mời thầu yêu cầu quá nhiều nhân sự chủ chốt, hiểu chưa đúng bản chất “nhân sự chủ chốt”, trong đó lại yêu cầu quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ đối với các nhân sự. Điều này cũng tạo áp lực cho nhà thầu trong việc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, phải huy động một lượng lớn nhân sự để tham gia đấu thầu (có thể là nhân sự của nhà thầu hoặc nhân sự do nhà thầu đi thuê) và việc thẩm tra nguồn gốc, chất lượng của “rừng” bằng cấp, chứng chỉ của các nhân sự tham gia đấu thầu không phải là điều dễ dàng đối với nhà thầu. Do đó sẽ có những trường hợp nhà thầu sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả ngoài mong muốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Trung Sỹ - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đánh giá đối với các trường hợp nhà thầu có cá nhân vi phạm, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cần khách quan và công tâm, cần cẩn trọng và cân nhắc các giải pháp xử lý, không nên vội vàng kết luận, quy chụp nhà thầu mà phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Theo đó, cần sử dụng một vài chuyên gia thẩm định, đánh giá kỹ, sâu về việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả của các nhân sự khi tham gia đấu thầu, phân tích xem có phải là lỗi cố ý của nhà thầu hay không. Nếu nhận thấy việc nhân sự sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả một cách tinh vi, trà trộn vào nguồn nhân lực của nhà thầu để tham gia đấu thầu mà không phải lỗi cố ý của nhà thầu thì cần xem xét để có các giải pháp xử lý phù hợp bởi bản thân nhà thầu cũng là “bị hại” trong vụ việc này.

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, về nguyên tắc, nhà thầu chịu trách nhiệm đối với tính chính xác, trung thực của các tài liệu, thông tin đã nộp trong hồ sơ dự thầu. Thời gian qua, không ít nhà thầu bị loại ngay ở bước đánh giá về kỹ thuật do sử dụng nhân sự có bằng cấp, chứng chỉ giả bị chủ đầu tư/bên mời thầu phát giác. Đây là bài học đắt giá để các nhà thầu “khắc cốt ghi tâm”, cẩn trọng và sàng lọc kỹ lưỡng hơn đối với nguồn nhân sự của mình cũng như có sự rà soát kỹ đối với các nhân sự thuê, mượn ở bên ngoài khi tham gia đấu thầu bởi câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” là có thật, nhà thầu mất cơ hội việc làm do “sơ sẩy” trong việc kiểm tra, đối soát tính trung thực các tài liệu mà mình nộp trong hồ sơ dự thầu. Còn đối với cơ quan chức năng, người có thẩm quyền, chủ đầu tư/bên mời thầu khi phát hiện cá nhân vi phạm trong sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả trong các hồ sơ dự thầu cần lắng nghe nhà thầu, cho họ giải trình cụ thể, nếu thuyết phục thì cần có giải pháp hợp lý, công bằng và khách quan đối với nhà thầu, tránh loại bỏ hoặc vội vàng quy chụp, đưa ra các giải pháp không “thấu đáo” đối với các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực sự, không có động cơ “gian lận” để trúng thầu.

Tin cùng chuyên mục