Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao toàn quyền trong đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ thông qua trong quý II/2018.
Chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ, được thiết lập nhằm giám sát và quyết định việc sử dụng một trong những nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 250 tỷ USD) vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty và DNNN.
Trước đó, việc thiết lập một “siêu ủy ban” giữ vai trò chủ sở hữu và quản lý một lượng vốn nhà nước khổng lồ như nêu trên đã khiến nhiều chuyên gia và nhà quản lý quan ngại. Thậm chí, đã có những ý kiến cho rằng, để tránh rủi ro, có thể xem xét thí điểm mô hình này ở quy mô nhỏ hơn, điển hình là với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Đến thời điểm này, những băn khoăn về tính thực tiễn và hiệu quả trong hoạt động của một “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước vẫn đang chờ câu trả lời. Chính vì vậy mà Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khi được đưa ra lấy ý kiến công luận đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Chia sẻ về điểm nổi bật nhất của Dự thảo Nghị định, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đơn vị được giao xây dựng Dự thảo Nghị định cho biết, điểm khác biệt lớn nhất trong chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban so với các đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện hữu khác là việc tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách nhằm chấm dứt tình trạng các bộ chủ quản vừa đóng vai trò quản lý nhà nước, vừa quản lý vốn tại DN, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, rất dễ dẫn tới tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước.
Theo chức năng, nhiệm vụ được xây dựng, Ủy ban có nhiệm vụ phê duyệt từng phương án huy động vốn, từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài công ty theo thẩm quyền; quyết định chủ trương dự án đầu tư ra nước ngoài của DN; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo đề nghị của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty. Như vậy, với việc giao toàn quyền cho Ủy ban trong đầu tư, quản lý vốn nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm dường như đã được xác định rõ.
Đặc biệt, do không chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan thuộc Chính phủ, mà còn có vai trò là cổ đông, thành viên của các DN đa sở hữu, là chủ sở hữu của các DN 100% vốn nhà nước, nên theo cơ quan soạn thảo, hoạt động của Ủy ban sẽ được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp và chuyên trách cao để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, đồng thời đảm bảo cạnh tranh, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Bên cạnh các quy định về chức năng, nhiệm vụ chung của Ủy ban, Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý tài chính, tài sản, lao động của cơ quan này. Theo cơ quan soạn thảo, có ý kiến cho rằng, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quản lý về tài sản, tài chính như các cơ quan khác thuộc Chính phủ và sẽ không có cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, do Ủy ban là một tổ chức đặc biệt của Chính phủ, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa là một cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nên cơ quan soạn thảo kiến nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính của Ủy ban theo nguyên tắc nguồn chi ngân sách nhà nước được cân đối trong khoản thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá, sắp xếp, thoái vốn nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cùng với chế độ tiền lương theo quy định, cơ quan chuyên trách sẽ có phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn nhà nước và năng suất lao động của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Hiện tại, về cơ cấu tổ chức, Dự thảo Nghị định quy định, Ủy ban sẽ có Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Cơ quan này dự kiến có 10 đơn vị trực thuộc, bao gồm các vụ quản lý vốn tại DN được phân chia theo nhóm ngành kinh doanh chính của DN (Vụ Quản lý vốn tại DN nông nghiệp; Vụ Quản lý vốn tại DN công nghiệp chế tạo; Vụ Quản lý vốn tại DN năng lượng; Vụ Quản lý vốn tại DN công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông; Vụ Quản lý vốn tại DN xây dựng và hạ tầng) và các vụ tham mưu theo chức năng (Vụ Chiến lược và Phát triển; Vụ Quản trị tài chính và rủi ro; Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức, Nhân sự và Đào tạo) cùng với Văn phòng Ủy ban. Với sự ra đời của cơ quan mới này, dự kiến hàng trăm nhân sự sẽ được tuyển dụng về làm việc tại Ủy ban.