Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho biết, năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân. Điểm tốt về sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; về sự đồng hành, chia sẻ, cứu trợ người dân trong phòng, chống đại dịch, thiên tai, lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức mạnh nội tại trong dân, đồng lòng, ứng biến vững vàng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là chỉ số về niềm tin của người dân, là sự đoàn kết, tương thân tương ái…
Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới tăng trưởng âm. Tuy nhiên, ông Tiến đề nghị xem xét lại một số chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong đó, cần xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 cho hợp lý bởi dự kiến 6% là cao khi mà tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều tỉnh. Ông Tiến cũng cho rằng chỉ tiêu về GDP bình quân đầu người năm 2021 dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD. Đề nghị cân nhắc thêm về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021 khoảng 4,8%, thấp hơn so với năm 2019 và năm 2020. Đồng thời, xem xét lại chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng không tăng bằng số liệu năm 2020. Ông Tiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu, mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP để phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Vì thế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch này trong điều kiện bình thường mới. Về phát triển bền vững kinh tế biển thời gian tới, bà Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm về chủ trương và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và nâng cấp sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo.
Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), tác động xấu từ đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế trong nước là không hề nhỏ. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế, nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhiều đối tượng khác vẫn đang gặp khó khăn trong cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch này nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Như So (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ ngay khi dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên hiệu quả trên thực tế lại không được như kỳ vọng. Có đến 78,3 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ. Trong khi hàng triệu người thất nghiệp thì gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện được vay. Do vậy, điều cần làm là nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, nới lỏng các điều kiện. Đồng thời, căn chỉnh thời gian cho phù hợp và triển khai các gói hỗ trợ lần hai không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh, mà còn phải nhanh để phát huy hiệu quả.