Cần quy định rõ phương thức xử lý và trách nhiệm phối hợp trong việc giải quyết thủ tục sang tên quyền khai thác khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và BIDV nói riêng gặp rất nhiều rủi ro, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) là quyền khai thác khoáng sản (KTKS).

Ông Phạm Chí Dũng, Phó Giám đốc Pháp chế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn hiện không quy định, hướng dẫn cụ thể “quyền thế chấp quyền KTKS của tổ chức/cá nhân KTKS”. TCTD không biết xử lý TSBĐ theo phương thức nào, bán trực tiếp cho người mua, hay bán đấu giá, hay xử lý thông qua cơ quan thi hành án dân sự sau khi có bản án, quyết định của tòa án… Việc sang tên cho người nhận chuyển nhượng quyền KTKS hay cơ sở nào để đánh giá người nhận chuyển nhượng có đủ điều kiện nhận chuyển nhượng... cũng gặp vướng mắc vì chưa có quy định.

Hiện nay, đa số TCTD đều xử lý theo phương thức bán đấu giá tài sản và thực tế phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý, sang tên tài sản sau khi có người trúng đấu giá tài sản. Đơn cử, BIDV đang phát sinh một số vướng mắc tại địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Yên…, đến nay vẫn không hoàn thiện được thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, dẫn đến rủi ro và phát sinh tranh chấp với người mua tài sản trúng đấu giá.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, bên cạnh bổ sung quyền thế chấp, góp vốn quyền KTKS vào Luật Địa chất và Khoáng sản, đề nghị Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết, thống nhất, đồng bộ về hồ sơ, thủ tục, điều kiện nhận thế chấp tài sản là quyền KTKS; các phương thức xử lý tài sản thế chấp là quyền KTKS. Trong đó, cần quy định rõ phương thức xử lý và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan cấp giấy phép KTKS cấp tỉnh) trong việc giải quyết thủ tục sang tên TSBĐ là quyền KTKS khi TCTD có bản án, quyết định tuyên TCTD có quyền xử lý TSBĐ này.

Tin cùng chuyên mục