Ảnh minh họa: Internet |
DN sốt sắng
Tại Tọa đàm "Năng lượng xanh cho DN: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn" diễn ra chiều ngày 17/5, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Việt Tiến cho biết, yếu tố cạnh tranh có giá trị quyết định là giá, chất lượng, thời gian giao hàng.
"So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện không thể cạnh tranh được chi phí nhân công (Ấn Độ, Bangladesh…), cho nên việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh từ đó giảm giá thành sản phẩm là một trong những thách thức lớn của DN trong ngành hiện nay", ông Giang cho biết.
Bên cạnh đó, các khách hàng từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày như: môi trường làm việc, tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn xanh, sử dụng sản phẩm tái chế, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp… Do đó, nhiều DN trong ngành dệt may đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, đặc biệt triển khai nhiều ở khu vực miền Trung, miền Nam, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào điện lưới, và bước đầu cho thấy có nhiều lợi ích thiết thực. Nhà máy của May Việt Tiến tại Tiền Giang đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, chỉ trong vòng 4 - 5 năm là hoàn vốn, có thể thu hồi hiệu quả trong 10 - 15 năm.
Còn nhiều khoảng trống pháp luật
Nhu cầu lớn, nhưng nhiều DN lo ngại rằng, việc đầu tư phát triển năng lượng áp mái vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Khó khăn lớn nhất của DN là vấn đề tài chính. Không phải DN nào cũng đủ năng lực tài chính. DN tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thương mại thường là những DN lớn, DN xếp loại A, còn lại DN cỡ trung và nhỏ là rất khó", ông Giang nhận xét.
Về chiến lược phát triển đường dài, một điều khiến DN và chuyên gia lo ngại là tháo dỡ các tấm pin năng lượng mặt trời áp mái sau khi hết khấu hao, hay hết hợp đồng thương mại, việc này rất phức tạp, song hiện chưa có hướng dẫn.
Mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng đại diện Tổng công ty May 10 vẫn băn khoăn về quy trình, thủ tục để triển khai phát triển điện mặt trời áp mái. "Việc lắp đặt bổ sung hệ thống phát điện mặt trời áp mái trên các nhà máy đã được xây dựng và phê duyệt trước đó sẽ phải thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy đối với phần bổ sung hay toàn bộ nhà máy?", đại diện Tổng công ty May 10 đặt vấn đề.
Chia sẻ với băn khoăn này, TS. Phan Quốc Việt cho rằng, khâu quy trình, thủ tục lắp đặt hệ thống mới hay cải tạo, sửa chữa… đòi hỏi rất nhiều thủ tục đi kèm. Tất cả đều cần có hướng dẫn cụ thể. "Nếu các cơ quan chức năng không khởi động ngay, sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hay hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thủ tục phù hợp thì DN sẽ mất cơ hội cạnh tranh, cản trở mục tiêu có 70% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2050", ông Việt nhấn mạnh.
Chi phí đầu tư phát triển năng lượng mặt trời áp mái là rất lớn, vậy làm sao để đầu tư tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các DN tại Tọa đàm. Ảnh Internet |
Mặc dù có những nhà đầu tư sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong Khu công nghiệp (KCN) DEEP C, nhưng theo quy định hiện nay, Tổng giám đốc KCN DEEP C Bruno Jaspaert phản ánh, nhà đầu tư KCN chưa được phép xác nhận, cấp chứng chỉ sử dụng điện tái tạo. Mặt khác, quy trình cấp phép dự án phát triển điện mặt trời áp mái hiện nay mất quá nhiều thời gian. "Muốn khuyến khích đầu tư thì cần có cơ chế ưu đãi thuế VAT cho đơn vị phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo", đại diện DEEP C đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đấu nối (gửi tạm, thu hồi…) sản lượng điện phát triển từ năng lượng tái tạo với hệ thống lưới điện quốc gia. Hiện đã có đủ công nghệ để khống chế lượng điện phát lên hệ thống, hạn chế được tình trạng phát điện ngược.
Từ đơn vị tiêu thụ điện trở thành nhà sản xuất điện, tự sản tự tiêu, ông Bruno Jaspaert cho biết, chủ đầu tư KCN đã thuê lại phần mái của các nhà đầu tư để phát triển năng lượng mặt trời áp mái và cung cấp trở lại cho các nhà máy, giúp điều phối được lượng điện sử dụng trong KCN. Từ nay đến đến năm 2030, DEEP C đặt mục tiêu đạt được tỷ lệ 50% điện sử dụng trong KCN là điện tái tạo, điện mặt trời áp mái.