Cần sự đồng hành của Quốc hội trong giám sát, đôn đốc khâu thực thi chính sách

(BĐT) - Tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ với nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Phiên thảo luận sáng ngày 31/5/2019
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Phiên thảo luận sáng ngày 31/5/2019

Giải ngân đầu tư công chậm là do thực thi

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến tình hình giải ngân đầu tư công của năm 2018 thực hiện thấp nhất trong 6 năm qua, 4 tháng đầu năm 2019 có cải thiện nhưng cũng chỉ tăng hơn so với cùng kỳ 0,18%.

Đánh giá về tình hình giải ngân đầu tư công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công chậm đã diễn ra nhiều năm, chủ yếu là do tổ chức thực hiện. “Vì những vướng mắc của Luật Đầu tư công chỉ ảnh hưởng đến những dự án mới mà giai đoạn 2016 - 2018 ngân sách khó khăn nên mở mới dự án rất ít” – đại biểu Hàm lý giải cho nhận định của mình.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu quan điểm, nguyên nhân thì có nhiều nhưng vấn đề về trình tự thủ tục còn rườm rà, vướng mắc giữa các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đô thị, Luật Ngân sách là chưa được giải quyết.

“Thực tế đã chứng minh trong thời gian qua chúng ta đang thực hiện siết chặt kỷ luật đầu tư công nhưng lại chưa tập trung quan tâm đúng mức các giải pháp liên quan đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đề nghị Chính phủ cần rà soát đổi mới, sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan đến đầu tư công nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng” – đại biểu Cao Đình Thưởng nhấn mạnh.

Đồng hành trong giám sát và đôn đốc việc thực thi

Giải trình, làm rõ tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được 3 kết quả quan trọng: Một là, giữ vững, ổn định được kinh tế vĩ mô. Hai là, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội. Ba là, vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả đáng kể trong năm 2018, nhưng nền kinh tế của nước ta vẫn đang còn tồn tại hạn chế mà trong đó có những vấn đề đã tích tụ tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội.

Nổi bật là vấn đề cấu trúc hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhất là hạ tầng về kỹ thuật, kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng về giao thông dù được đầu tư nâng cấp và cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trình độ khoa học kỹ thuật, quản lý của chúng ta chưa tốt từ đó dẫn tới thực hiện đổi mới mô hình tăng trường gắn với nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để phát triển bứt phá và đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến xa trên trường quốc tế và khu vực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh thế chế như nhau có những địa phương thực hiện rất tốt, nhưng có những địa phương thực hiện không tốt các vấn đề như: giải ngân đầu tư công, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… Do đó, Bộ trưởng mong các đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ thực hiện giám sát và đôn đốc việc thực thi chính sách ở các địa phương, các cấp, các ngành thật tốt để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục