Hạ tầng đường sắt Việt Nam ngày càng xuống cấp. Ảnh: Nhã Chi |
Nếu được đầu tư, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho ngành đường sắt vốn đang còn nhiều hạn chế và bất cập hiện nay.
Năm 2018 trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư
Với 135 năm phát triển, mạng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.134 km, trong đó 2.531 km chính tuyến, 612 km đường nhánh và đường ga. Đường sắt Việt Nam đã đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tích cực tham gia vào vận tải toàn ngành giao thông nói riêng.
Tuy nhiên, do đường sắt đã xây dựng từ lâu lại không được nâng cấp, mở rộng theo đúng yêu cầu phát triển, nên đường sắt Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn là đường đơn, khổ đường hẹp 1.000 mm và ngày càng xuống cấp; tiêu chuẩn kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt thấp, lạc hậu, hạn chế dẫn đến năng lực cạnh tranh không cao. Trong khi đó, điều kiện địa hình nước ta có đặc thù trải dài từ Bắc vào Nam nên việc phát triển giao thông kết nối hai khu vực này và nối liền các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch dọc tuyến là rất cần thiết.
Từ những yêu cầu của thực tiễn và định hướng phát triển ngành đường sắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cập nhật các nghiên cứu; tổ chức nghiên cứu; tổ chức hội thảo, truyền thông và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua năm 2017 để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018. Khi được Quốc hội thông qua, cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để năm 2022 - 2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Phải nghiên cứu kỹ lưỡng
Dự án này cần quy trình, thủ tục đầu tư kéo dài, nhu cầu vốn rất lớn, khả năng thu hồi vốn hết sức khó khăn; đặc biệt là việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt phải do Nhà nước đầu tư sẽ gây áp lực đối với trần nợ công. Đồng thời, Dự án cần áp dụng công nghệ hiện đại, chất lượng nhân lực cao, với khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Dự án phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và đồng bộ toàn tuyến, có tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí vốn ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư Dự án; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; lựa chọn tư vấn nước ngoài thẩm tra Dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thẩm định nhà nước; phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động vốn…
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu phương án xây dựng là rất cần thiết và việc lựa chọn triển khai theo phương án nào cần hết sức cẩn trọng. TS. Doanh lưu ý, vì đây là dự án lớn, cần số vốn đầu tư cao, nên trong quá trình nghiên cứu xây dựng phương án phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiệu quả dự án; khả năng trang trải của người dân khi sử dụng loại phương tiện này… Đây cũng là những vấn đề không thể xem thường trong quá trình nghiên cứu xây dựng phương án hiệu quả.