Cẩn trọng với giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau chuỗi ngày tăng liên tục trước ngày Thần Tài (mùng 10/1 âm lịch), giá vàng trong nước có xu hướng giảm mạnh trong ngày 6/2, chênh lệch giữa giá mua và giá bán tăng mạnh từ mức 2 triệu đồng/lượng lên mức 3,5 triệu đồng/lượng đẩy thêm rủi ro về phía người mua vàng.
Các công ty vàng bạc giao dịch với mức chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán nên người nắm giữ vàng không dễ tìm kiếm lợi nhuận từ việc lướt sóng. Ảnh: Xuân Yến
Các công ty vàng bạc giao dịch với mức chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán nên người nắm giữ vàng không dễ tìm kiếm lợi nhuận từ việc lướt sóng. Ảnh: Xuân Yến

Đến 16h ngày 6/2, giá vàng SJC mua vào - bán ra tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 86,4 - 89,6 triệu đồng/lượng, giảm 1,8 triệu đồng lượng ở chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm 9 giờ sáng cùng ngày. Giá vàng ngày 6/2 cũng giảm khoảng 1,6 triệu đồng/lượng so với ngày 5/2. Dù có xu hướng giảm nhẹ trong ngày 6/2, song tính từ ngày 31/12/2024 đến nay, giá vàng đã tăng 4,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Điểm đáng chú ý, mức chênh lệch giá mua và giá bán vàng có xu hướng tăng. Cụ thể, giá mua cao hơn giá bán ở mức 2 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2024, tăng lên mức 3 triệu đồng vào ngày 5/2 và tiếp tục tăng lên mức 3,5 triệu đồng vào ngày 6/2.

Ghi nhận tại một số cửa hàng vàng tại Hà Nội chiều ngày 6/2 cho thấy, số lượng khách đến giao dịch mua bán vàng giảm so với những ngày trước. Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, số lượng khách đến bán vàng nhiều hơn khách đến mua.

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng có xu hướng tăng trong ngày 5/2 và giảm nhẹ trong ngày 6/2. Đến 16h ngày 6/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chỉ còn ở mức 2.861 USD/oz. Trong khi trước đó, giá vàng giao ngay có lúc lên mức 2.871,25 USD/oz (tương đương 88,55 triệu đồng/lượng) vào sáng ngày 6/2.

Giới phân tích cho biết, giá vàng thế giới tăng do nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn cho tài sản trước các bất ổn địa chính trị gia tăng. Trong đó, căng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi Mỹ áp mức thuế mới 10% với hàng hóa từ Trung Quốc và các biện pháp trả đũa từ quốc gia này.

Nguồn: Bảo Tín Minh Châu
Nguồn: Bảo Tín Minh Châu

Ở khía cạnh khác, báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, trong năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng. Giới phân tích cũng dự đoán các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục mua vàng trước lo ngại gánh nặng nợ chính phủ tăng và biến động địa chính trị khó lường.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới chịu tác động bởi nhiều yếu tố khó đoán từ xung đột thương mại giữa Mỹ và các quốc gia. Tại Việt Nam, các công ty vàng bạc giao dịch với mức chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán nên người nắm giữ vàng không dễ tìm kiếm lợi nhuận từ việc lướt sóng. “Kể cả việc mua vàng lấy may vào ngày Thần Tài chỉ diễn ra từ chục năm trở lại đây cũng có thể là một cách kiếm lợi cho hàng vàng nhiều hơn là người nắm giữ vàng. Do đó, người mua vàng nên cân nhắc”, ông Hiếu chia sẻ.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng đã tăng và tiếp tục tăng trong những ngày sau Tết chủ yếu do xu hướng tăng của giá vàng thế giới cùng với tâm lý muốn mua vàng lấy may ngày Thần Tài. Bên cạnh đó, một số người được lãi lớn nhờ mua vàng ở thời điểm giá thấp nên bán ra chốt lời. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc giá mua và giá bán chênh lệch lên đến 3,5 triệu đồng/lượng càng bất lợi cho người mua vàng. Mặt khác, thị trường vàng thế giới biến động khó lường theo các diễn biến địa chính trị thế giới nên việc nắm giữ vàng ở thời điểm này cần hết sức cân nhắc. Thị trường vàng Việt Nam cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Liên quan việc kiểm soát thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II/2025. Theo ông Thịnh, đây là việc cần làm để bảo đảm ổn định thị trường trong thời gian tới.

NHNN cho biết, việc sửa chính sách về quản lý thị trường vàng là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này trong năm nay, trong đó, sẽ sớm trình Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng bảo đảm thị trường vàng hoạt động lành mạnh, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin cùng chuyên mục