Cảng Phước An tiếp tục thua lỗ, PVN sắp thoát “cục nợ”?

(BĐT) - Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (PAP), chủ đầu tư phát triển Cảng Phước An vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2018. Theo đó, Công ty lỗ ròng 6,81 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2018, nâng mức lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2018 lên 26,53 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lãi tiền gửi vẫn là nguồn thu chính

Dự án Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5 được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia với diện tích 183 ha khu cảng; 550 ha kho bãi logistics. Sau khi hoàn thành, Cảng Phước An sẽ có chiều dài bến 3.050 m, gồm 6 bến container; 4 bến tổng hợp và có thể tiếp nhận tàu hàng 60.000 DWT, công suất 2.5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Thế nhưng sau gần 8 năm triển khai xây dựng, Dự án vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chưa thể đưa vào khai thác trong tương lai gần.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018 của Công ty cho thấy, khoản mục “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang” được ghi nhận 237,8 tỷ đồng, gần như không đổi so với thời điểm đầu năm 2018. Đầu năm 2017, giá trị của khoản mục này là 228,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiến độ thực hiện Dự án Cảng Phước An trong vòng hơn 1 năm trở lại đây gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Với việc chưa thể đưa vào khai thác và vận hành, nguồn thu hàng năm của Công ty chủ yếu đến từ lãi tiền gửi.

Cụ thể, 6 tháng năm 2018, doanh thu từ lãi tiền gửi của PAP chỉ còn 5,53 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với doanh thu tài chính cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân của sự sụt giảm chưa được Công ty giải trình chi tiết, song theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, việc trả trước cho người bán dài hạn 572,3 tỷ đồng trong năm 2017 đã khiến cho lượng tiền mặt gửi ngân hàng của PAP sụt giảm. Cụ thể, trong năm 2017, Công ty đã tiến hành ứng trước 50% giá trị thi công theo Hợp đồng số 04/2017/HĐXD-PAP ngày 5/10/2017 với liên doanh Công ty TM - DV Nga Sơn - Công ty Núi Hồng về việc thi công xây lắp Phân kỳ 1, Dự án Cảng Phước An. Điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến doanh thu tài chính trong kỳ của Công ty.

Bên cạnh đó, trong kỳ Công ty đã phát sinh chi phí lãi vay 2,16 tỷ đồng và khoản chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017. Điều này khiến Công ty ghi nhận lỗ ròng 6,81 tỷ đồng, nâng mức lỗ ròng lũy kế tại thời điểm 30/6/2018 lên 26,53 tỷ đồng. 

Tập đoàn Hoành Sơn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu Cảng Phước An

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ sở hữu Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An với tỷ lệ 79,58%. Đến tháng 7/2016, PVN đã tiến hành thoái vốn tại PAP thông qua việc đồng ý cho PAP phát hành riêng lẻ 46 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/CP giúp giảm tỷ lệ sở hữu của PVN xuống 38,89%, vốn điều lệ Cảng Phước An tăng từ mức 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Tập đoàn Hoành Sơn (đầu tư thông qua Công ty TNHH MTV Hoành Sơn) nắm quyền chi phối Cảng Phước An sau khi bỏ ra 460 tỷ đồng mua toàn bộ 46 triệu cổ phần nêu trên, qua đó sở hữu 51% vốn điều lệ. Đồng thời, Hoành Sơn cũng đưa người vào Ban lãnh đạo PAP để thay thế người PVN.

Sau đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Cảng Phước An tiếp tục thông qua việc phát hành riêng lẻ 20 triệu CP cho Hoành Sơn để nâng vốn điều lệ Công ty từ 900 tỷ đồng lên mức 1.100 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho Hoành Sơn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại PAP lên 60%, trong khi tỷ lệ của PVN giảm xuống chỉ còn 31,81%. Với lộ trình thoái vốn toàn bộ tại PAP được PVN đưa ra vào cuối năm 2017 thì không ngoại trừ người mua sẽ là Tập đoàn Hoành Sơn.

Tập đoàn Hoành Sơn là doanh nghiệp khá nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Tập đoàn này còn được biết đến là một đại gia xây dựng giàu có với nhiều dự án lớn ở Hà Tĩnh. Chẳng hạn như Bến cảng số 4 Cảng Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, Hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục