Cảng xây 250 tỷ đồng nhưng tàu không thể cập cảng

0:00 / 0:00
0:00
Dù thời tiết bình thường, nhưng sáng 16/7, tàu Super Biển Đông tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn chở 150 hành khách không thể cập cảng Bến Đình, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), dù cảng này mới được đưa vào sử dụng.
Tàu Super Biển Đông phải di chuyển đến cảng cũ để trả khách vào sáng 16/7
Tàu Super Biển Đông phải di chuyển đến cảng cũ để trả khách vào sáng 16/7

Không thể cập cảng Bến Đình nên tàu này buộc phải di chuyển đến cảng cũ để trả khách. Lý giải việc này, ông Nguyễn Hữu Đoan - Giám đốc Ban Quản lý cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi - cho hay, sáng 16/7 có gió Nam nên biển rất "săn", nghĩa là sóng biển dập dềnh, lênh đênh, nên những chuyến tàu đầu buổi sáng không thể cập cảng. Về sau biển trở lại bình thường nên tàu đã cập được cảng Bến Đình.

Như vậy, sau 1 tuần vận hành thử nghiệm, cảng Bến Đình đã bộc lộ bất cập, đúng như nhiều ý kiến lo ngại trước đó.

Một chủ tàu chuyên chở hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn chia sẻ, cảng Bến Đình được đầu tư hiện đại, nên chắc chắn khi đưa hành khách vào cảng Bến Đình sẽ văn minh, lịch sự hơn cảng cũ. Tuy nhiên khi có sóng lớn, nếu mạo hiểm đưa tàu vào cảng Bến Đình thì nguy cơ sẽ bị đứt dây neo.

Cảng Bến Đình được khởi công vào tháng 11/2016, với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Cảng có cầu tàu dài 240m cho phép neo đậu đồng thời 1 tàu có trọng tải 2.000DWT, 1 tàu trọng tải 1.000DWT và 1 tàu khách trọng tải 400 ghế.

Sau nhiều năm trễ hẹn, ngày 10/7, cảng Bến Đình được đưa vào vận hành thử nghiệm. Thời gian qua, nhiều người dân Lý Sơn cho rằng, vị trí xây dựng cảng không phù hợp vì là "họng sóng", thời tiết biển thay đổi nhẹ thì rất khó cập cảng. Vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên dự án này dù đã hoàn thành vẫn "đắp chiếu" suốt một thời gian dài.

Vào tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư Dự án kè cho cảng Bến Đình. Mục tiêu của Dự án nhằm bảo vệ ổn định khu vực cảng Bến Đình, góp phần che chắn làm giảm sóng, hạn chế bồi lấp, giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực cảng, đảm bảo việc khai thác hiệu quả. Dự án gồm đê chắn sóng dài 450m, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.