Cảnh báo khó khăn khi hoán nợ bằng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sử dụng các tài sản khác ngoài tiền như bất động sản, cổ phiếu, hàng tồn kho, máy móc, thiết bị… để thanh toán công nợ theo thỏa thuận là việc pháp luật cho phép, nhưng để đi tới sự đồng thuận có không ít thách thức, nhất là khi việc nhận thanh toán không được thỏa thuận từ trước giữa các bên...
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đề xuất dùng tài sản thanh toán nợ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gần đây, nhiều doanh nghiệp đề xuất dùng tài sản thanh toán nợ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Nở rộ đề nghị trả nợ bằng tài sản

Một thông tin được chú ý từ đầu tháng 3/2023 đến nay là việc một nhóm nhà thầu phụ tại một số dự án do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thi công đã có công văn gửi đến một số chủ đầu tư về việc tạm dừng thi công do chưa được thanh toán công nợ.

Phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, trong tình hình khó khăn hiện nay, một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ và đề nghị các nhà thầu phụ xem xét nhận thanh toán công nợ bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng. Đây là một giải pháp được Xây dựng Hoà Bình đưa ra bên cạnh các biện pháp khác như đối trừ công nợ bằng thiết bị xây dựng tồn kho của Hòa Bình theo giá phù hợp được hai bên thống nhất, hay Công ty sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà thầu vay vốn ngân hàng.

Đề xuất dùng tài sản thanh toán nợ như Xây dựng Hòa Bình không phải là câu chuyện mới được ghi nhận trên thị trường. Trong thông báo liên quan đến lô trái phiếu NVLH2123009 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng đến hạn thanh toán vào tháng 2/2023, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cho biết đã nỗ lực thanh toán phần lãi đến hạn và đề xuất phương án giãn thời hạn thanh toán tiền gốc hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản. Đầu tháng 2/2023, Novaland cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận hoán đổi một số trái phiếu và chứng quyền đang lưu hành thành cổ phần trong hai đơn vị thành viên của Novaland.

Cũng trong tháng 2/2023, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) đã hoàn tất phát hành 4 triệu cổ phần để hoán đổi công nợ cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong bối cảnh Vitranschart thua lỗ nhiều năm, âm vốn chủ sở hữu, số dư nợ vay và lãi quá hạn lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Việc cho phép dùng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp (DN) để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn đã được đưa vào Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu trái phiếu DN.

Mặc dù việc sử dụng các tài sản khác ngoài tiền để thanh toán công nợ khi đạt được thỏa thuận giữa các bên là phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng để đi tới đồng thuận trong việc thanh toán công nợ bằng tài sản vẫn có không ít khó khăn, vướng mắc.

Thống nhất được định giá chỉ là bước 1

Nhận/thu giữ tài sản thế chấp để bù đắp cho một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của khách hàng bị quá hạn thanh toán cấn trừ nợ là câu chuyện quen thuộc với các ngân hàng. Tuy vậy, trong quá trình nhận/thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, chính các ngân hàng - những tổ chức chuyên môn về định giá, xử lý tài sản bảo đảm và có lợi thế bởi hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết ngay từ khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng - cũng thường gặp không ít khó khăn như xác định giá trị, xử lý các vấn đề pháp lý của tài sản bảo đảm, hay quá trình đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ kéo dài. Bởi vậy, đối với các DN, nhà thầu hay các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu, khi nhận được đề nghị gán tài sản trả nợ, khó khăn còn nhiều hơn gấp bội.

Đơn cử như việc xác định mức giá hợp lý cho tài sản. Thông thường trong trường hợp này, các bên có thể thuê một công ty có chức năng thẩm định giá độc lập định giá tài sản tại thời điểm nhận cấn trừ nợ. Tuy vậy, thị trường định giá tài sản ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập, để mức giá đưa ra nhận được sự đồng thuận của cả 2 bên là thách thức lớn khi bên sở hữu tài sản có xu hướng muốn định giá tài sản ở mức cao, trong khi bên đòi nợ lại yêu cầu mức giá chiết khấu sâu để bù đắp các chi phí, rủi ro từ quá trình giao nhận, nắm giữ tài sản đến khi thanh lý để thu hồi được tiền.

Giả định các bên đã thống nhất được mức định giá tài sản, không phải lúc nào giá trị tài sản được gán nợ cũng ngang bằng với giá trị công nợ cần cấn trừ. Nếu giá trị tài sản lớn hơn giá trị công nợ được cấn trừ, bên nhận tài sản sẽ gặp khó khăn khi bên gán tài sản yêu cầu trả tiền cho phần chênh lệch được xác định. Trong trường hợp một tài sản được bên sở hữu đề nghị sử dụng để cấn trừ cho nhiều đối tác/khách hàng, sự phức tạp càng gia tăng khi các bên nhận thanh toán phải tìm được sự đồng thuận trong việc cùng tiếp nhận và xử lý tài sản.

Tình hình sẽ còn khó khăn hơn nếu tài sản bất động sản được sử dụng để cấn trừ công nợ đang trong trạng thái dở dang về tiến độ xây dựng hay chưa hoàn thiện về pháp lý. Các khách hàng, đối tác sẽ gặp không ít khó khăn để xử lý tài sản nhận về nhằm thu hồi được nợ gốc bằng tiền thay vì khối tài sản “bất động".

Thêm vào đó, không phải DN, nhà đầu tư nào cũng có chuyên môn để xử lý các tài sản như bất động sản mà tìm kiếm, chuyển giao cho một đơn vị kinh doanh làm việc này, tương ứng phát sinh thêm nhiều chi phí giao dịch, thuế, phí để chuyển giao tài sản. Điều này cần được tính toán trong quá trình đàm phán chuyển giao tài sản.

Thực tế trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản trước đây, nhiều DN không có tiền trả nợ ngân hàng khi đến hạn đã lấy tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Tuy vậy, chính các ngân hàng cũng phải đau đầu tìm cách xử lý khối tài sản này. Đơn cử tại Sacombank, Ngân hàng đã nhiều lần thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM là tài sản bảo đảm cho 18 khoản nợ với tổng giá trị hơn 16 nghìn tỷ đồng, nhưng chưa tìm được khách mua dù liên tục hạ giá. Hàng loạt ngân hàng cũng trong tình cảnh tương tự khi “ôm” khối tài sản bảo đảm nợ rất lớn, nhưng không chuyển đổi được thành tiền...

Tin cùng chuyên mục