Diễn biến của quý I là tín hiệu để CPI năm 2016 sẽ đạt được kết quả kép: vừa thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, vừa thấp hơn tốc độ tăng GDP. |
Diễn biến và nguyên nhân
Diễn biến CPI quý I được xét trên nhiều mặt.
Xét theo thời gian, CPI tháng 1/2016 không tăng, tháng 2 tăng 0,42%, tháng 3 tiếp tục tăng cao hơn 0,57%. Sau 3 tháng, CPI tuy cao hơn cùng kỳ năm 2014, 2015, nhưng thấp hơn cùng kỳ từ năm 2002 đến năm 2013.
Theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, sau 3 tháng, giá các nhóm có sự tăng/giảm khác nhau.
Nhóm có tỷ trọng trong tổng chi tiêu cho tiêu dùng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm 36,12%) tăng 1,74% (trong đó lương thực tăng 1,37%, thực phẩm tăng 2,08%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,08%). Nhóm này giá tăng cao nhất, một phần do nhu cầu đầu năm cao; một phần do sản xuất gặp khó khăn (rét hại, hạn nặng, nước mặn ngấm sâu); một phần do xuất khẩu nông, lâm - thủy sản tăng trở lại (gạo tăng 70,4%, rau quả tăng 54,4%, thủy sản tăng 7,3%, hạt điều tăng 10,5%, cà phê tăng 5,6%...).
Nhóm có tỷ trọng tăng lớn thứ hai là nhà ở và vật liệu xây dựng (chiếm 15,73%) giảm 0,13%, chủ yếu do giá chất đốt (ga, xăng dầu...) giảm và giá nhà đất bắt đầu chững lại.
Nhóm có tỷ trọng lớn thứ ba là giao thông (chiếm 9,37%) giảm tương đối sâu tới 10,07%, chủ yếu do giá xăng dầu giảm.
Nhóm có tỷ trọng lớn thứ tư là thiết bị và đồ dùng gia đình (chiếm 7,31%) tăng thấp (0,34%) chủ yếu do cung tăng cao, trong khi nhu cầu của một bộ phận dân cư đã tương đối bão hòa... Nhóm may mặc, giày dép, mũ nón có tỷ trọng lớn thứ tư (chiếm 6,37%) tăng thấp (0,65%), chủ yếu do sản xuất và nhập khẩu tăng, nhu cầu và sức mua không cao.
Nhóm dịch vụ giáo dục, y tế - 2 nhóm chiếm tỷ trọng lớn thứ 5 (tương ứng là 5,99% và 5,04%) - tăng cao (tương ứng tăng 2,07% và tăng 33,29%), chủ yếu do một số địa phương tăng giá các dịch vụ này. Một số hàng hóa, dịch vụ còn lại tăng cao hơn tốc độ chung, nhưng do chiếm tỷ trọng thấp, nên tác động không lớn.
Theo vùng, CPI tháng 3 so với tháng 2, có 3 vùng cao hơn tốc độ tăng chung, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 0,93%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 0,66%, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 0,64%.
Xét theo khu vực, khu vực nông thôn tăng cao hơn khu vực thành thị (1,09% so với 0,89%), chủ yếu do tốc độ tăng giá thuốc và dịch vụ y tế cao hơn (29,33% so với 19,17%).
Theo địa bàn, Hà Nội tăng 0,71%, TP. HCM tăng 0,09%.
Tín hiệu và cảnh báo
Diễn biến của quý I là tín hiệu để CPI năm 2016 sẽ đạt được kết quả kép: vừa thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, vừa thấp hơn tốc độ tăng GDP.
Đây cũng là cơ hội cho nhiều chủ thể trên thị trường. Người tiêu dùng ít bị áp lực của giá tăng cao, thậm chí có điều kiện để tăng lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, cải thiện mức sống. Người gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất thực dương do lãi suất cao hơn CPI.
Nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh có cơ hội được tiếp cận với vốn với lãi suất thấp hơn, giảm được nợ xấu; tranh thủ cơ hội giá thấp để tăng lượng nguyên nhiên vật liệu phụ thuộc cho sản xuất từ thị trường trong nước hay nhập khẩu, đón đầu cơ hội phục hồi tăng trưởng...
Ngân hàng có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ, trong đó đáng chú ý là các giải pháp giảm dự trữ bắt buộc, ngừng phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng cường chiết khấu trái phiếu chính phủ, trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu), đẩy mạnh hoạt động thị trường mở, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp và ổn định. Tranh thủ khi lượng ngoại tệ từ các nguồn đầu tư trực tiếp, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế, lãi suất huy động USD bằng 0, ... để mua ngoại tệ ở trong nước, vừa giảm đô la hóa, vừa tăng dự trữ ngoại hối...
Cảnh báo về CPI có thể nhìn ở hai chiều.
Chiều thứ nhất, nếu CPI tiếp tục thấp sẽ tác động tiêu cực đối với tỷ suất lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh vốn đã thấp hơn cả lãi suất vay ngân hàng. Trong khi nợ xấu còn cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn và tiếp tục tăng.
Ở chiều thứ hai, chưa thể lơ là, chủ quan với lạm phát, bởi còn có những yếu tố làm tăng lạm phát. Tín dụng được định hướng tăng cao hơn năm trước, trong khi dư nợ tín dụng đã cao hơn GDP; tốc độ tăng huy động năm trước đã thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng; nợ xấu chưa được giải quyết triệt để; tỷ giá tăng cao để ứng phó với sự mất giá của đồng tiền ở Trung Quốc và các nước là đối tác thương mại lớn. Bội chi ngân sách còn lớn và tăng lên; nợ công đã vượt trần. Giá nhập khẩu, nhất là xăng dầu tăng.
Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ được hãm trong năm 2015 sẽ thực hiện trong năm 2016 với số loại, liều lượng cao hơn, dồn dập hơn... Điều quan trọng hơn còn là sự cộng hưởng của các yếu tố trên.