Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe như Cao su Đà Nẵng hay Cao su Sao Vàng đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Ảnh: Lê Tiên |
Việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại 2 công ty này xuống còn 36% được kỳ vọng sẽ là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy vậy, trước phiên đấu giá, cả Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng đều đang gặp khó trong vấn đề tăng trưởng lợi nhuận.
Giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống còn 36%
Vinachem sẽ thực hiện đấu giá hơn 17,2 triệu cổ phần Cao su Đà Nẵng với giá khởi điểm 25.170 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị xấp xỉ 434 tỷ đồng. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại Cao su Đà Nẵng sẽ giảm từ 50,51% xuống còn 36%.
Còn tại Cao su Sao Vàng, Vinachem cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ mức chi phối 51% xuống còn 36% thông qua bán đấu giá 4,2 triệu cổ phần. Mức giá khởi điểm được đưa ra lên đến 46.452 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với thị giá khoảng 24.000 đồng của cổ phiếu Cao su Sao Vàng đang được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, việc Vinachem thoái vốn với số lượng lớn và giảm tỷ lệ sở hữu tại Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Các công ty Trung Quốc có thể là đối tượng mua tiềm năng trong các thương vụ này vì các hãng sản xuất lốp xe lớn của nước này đang dịch chuyển dần nhà máy sang khu vực Đông Nam Á nhằm né thuế của Mỹ.
Tăng trưởng gặp khó khăn
Dù Cao su Sao Vàng và Cao su Đà Nẵng đều là những doanh nghiệp có nền tảng hoạt động ổn định, được thị trường đánh giá là cổ phiếu cơ bản và có dư địa tăng trưởng, nhưng trước phiên đấu giá, cả 2 doanh nghiệp này đều báo lợi nhuận kinh doanh quý I/2019 sụt giảm.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2019 của Cao su Đà Nẵng, doanh thu thuần của Công ty đạt 823,6 tỷ đồng, tăng 12% so với quý I/2018. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16,8 tỷ đồng, giảm 18,8% so với quý I/2018.
Trong 3 năm gần đây (2016 - 2018), lợi nhuận ròng của Cao su Đà Nẵng cũng có xu hướng đi xuống. Nếu như năm 2016, Công ty báo lãi ròng 419,5 tỷ đồng, thì con số này đã giảm xuống 166 tỷ đồng năm 2017 (giảm 60% so với năm 2016) và 138,6 tỷ đồng năm 2018 (giảm 16,5% so với năm 2017).
Câu chuyện tăng trưởng cũng hết sức khó khăn với Cao su Sao Vàng trong 3 năm gần đây. Cụ thể, lãi ròng từ 66,2 tỷ đồng năm 2016 đã giảm xuống còn 34,2 tỷ đồng năm 2017 và còn 12 tỷ đồng trong năm 2018. Còn trong quý I/2019, dù Công ty báo doanh thu tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước (đạt 230 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng một nửa so với quý I/2018, đạt xấp xỉ 2,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô như Cao su Đà Nẵng hay Cao su Sao Vàng đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Cùng với đó, giá các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn 15 - 20% so với sản phẩm của Cao su Đà Nẵng, do các nhà máy Trung Quốc có công suất lớn hơn nhiều (đạt tính kinh tế về quy mô cao hơn); có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu nội địa trong khi Cao su Đà Nẵng phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, thậm chí một phần cao su tự nhiên (cao su chất lượng cao từ Malaysia, Thái Lan...). Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa có rào cản kỹ thuật (chất lượng) đáng kể đối với sản phẩm lốp xe nhập khẩu từ Trung Quốc.
Áp lực cạnh tranh gia tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lốp xe như Cao su Đà Nẵng hay Cao su Sao Vàng gặp khó trong thời gian qua.