Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nam Trung Bộ: “Chạy nước rút” giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những khó khăn cuối cùng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 phải được tháo gỡ trong quý III/2023, đòi hỏi các địa phương liên quan phải tập trung cao độ cùng chủ đầu tư, nhà thầu để tháo gỡ vướng mắc, đưa Dự án đi đúng tiến độ.
Nhà thầu thi công hầm tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, vị trí giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Ảnh: Hà Minh
Nhà thầu thi công hầm tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, vị trí giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Ảnh: Hà Minh

Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Lê Quốc Đạt cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện GPMB và TĐC Dự án cao tốc Bắc - Nam, Quảng Ngãi đã đạt những kết quả khả quan. Cụ thể, Tỉnh đã thu hồi 442,07/494,6 ha, đạt 89,4% tổng diện tích quy hoạch, tương ứng với chiều dài khoảng 54,2/60,3 km, đạt 89,9% tổng chiều dài tuyến; giải ngân 748/2.000 tỷ đồng bố trí vốn trong năm 2023, đạt 37,4% kế hoạch.

“Toàn bộ nhân lực trong Ban đang nỗ lực hoàn thành công việc, làm cuốn chiếu, làm đến đâu bàn giao mặt bằng sạch đến đó. Hiện tại, Ban xác định còn một số điểm nghẽn cần ưu tiên giải quyết rốt ráo, chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành 100% công tác bồi thường, GPMB phục vụ Dự án. Trong đó, tại huyện Mộ Đức có 6 vị trí và thị xã Đức Phổ có 20 vị trí”, ông Đạt cho biết.

Bên cạnh đó, đối với 23 khu TĐC phục vụ di dời dân, có 15 khu đã nghiệm thu kỹ thuật, các hộ dân đã nhận đất và đang tiến hành xây dựng nhà mới tại 2 khu TĐC.

Những nỗ lực của địa phương cũng được chủ đầu tư ghi nhận. Theo ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ Giao thông vận tải), đối với Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 60,3 km, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao 46 km, nhà thầu đang tổ chức thi công thực địa.

Tại tỉnh Bình Định, địa phương này đang yêu cầu các huyện có Dự án đi qua chậm nhất đến 30/8 phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Thời hạn này được căn cứ trên kết quả GPMB mà các địa phương đã đạt được. Trong đó, huyện Hoài Nhơn đã bàn giao mặt bằng tuyến chính cho chủ đầu tư khoảng 92%, giao đất TĐC đạt gần 90%, giải ngân được khoảng 880 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 61%); huyện Hoài Ân đã hoàn thành phê duyệt 100% phương án bồi thường GPMB, tỷ lệ bàn giao mặt bằng hơn 92%, giải ngân vốn gần 50%. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của huyện Hoài Ân là cùng đơn vị tư vấn, chủ đầu tư thực hiện lại công tác thống kê bồi thường bởi việc tiến hành cắm cọc, bàn giao từ chủ đầu tư có phát sinh do tăng thêm diện tích bị ảnh hưởng.

Nỗ lực bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công cũng được ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên chia sẻ. Theo đó, Tỉnh đã bàn giao mặt bằng các gói thầu xây lắp đạt 94,77%. Phần khối lượng còn lại khoảng 5,23% (tương ứng với 4,71/90,12 km) chủ yếu là đất nhà ở của các hộ gia đình. Đây cũng là vướng mắc đang được tỉnh Phú Yên phối hợp với Ban QLDA 7 (Chủ đầu tư) từng bước tháo gỡ.

Bên cạnh đó, 4/6 khu TĐC (1 khu tại huyện Tây Hòa, 2 khu tại huyện Phú Hòa, 1 khu tại thị xã Đông Hòa) đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật. Còn lại 2 khu TĐC thuộc huyện Tuy An do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chậm hơn dự kiến. “Địa phương đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành GPMB và TĐC trong tháng 12/2023”, ông Chân cho biết .

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hiện GPMB đạt khoảng 90%, phần còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị; 50/80 khu TĐC dành bố trí chỗ ở cho hơn 3.700 hộ dân đã hoàn thành. Trên công trường đang có hơn 2.800 thiết bị, hơn 6 nghìn lao động tổ chức hơn 200 mũi thi công từ đường, hầm chui đến cầu, cống trên tuyến.

“Dù phần mặt bằng bị vướng còn lại khoảng 10%, nhưng đây là các khu vực khó khăn nhất do liên quan đến đất ở, đất trồng lúa, đất rừng và hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nhiều đường điện cao thế”, Bộ Giao thông vận tải nhận định. Trước tình trạng này, mới đây, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC; ưu tiên TĐC tại chỗ; các khu TĐC tập trung phải chuẩn bị sớm, đủ hạ tầng với nguyên tắc nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ; giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III/2023.

Tin cùng chuyên mục