Dự án thành phần 4 thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phát sinh thêm khối lượng lớn nền đất yếu, đất bùn phải xử lý, dẫn tới tăng mức đầu tư. Ảnh: Như Nguyệt |
Trong báo cáo kỳ đầu tháng 12/2022 gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bộ này chủ trì, phối hợp với các tỉnh xem xét thống nhất nguyên tắc, cơ chế để điều tiết, phân bổ lại tổng mức đầu tư các DATP trong phạm vi tổng mức đầu tư được Quốc hội phê duyệt là 44.691 tỷ đồng. Trước đó, thông tin từ Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho thấy, tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu khả thi dự kiến là 45.640 tỷ đồng, vượt 950 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, cả 4 DATP thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều có sự chênh lệch về mức đầu tư giữa báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cụ thể, DATP 1 có tổng mức đầu tư ở báo cáo nghiên cứu khả thi là 13.789 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (13.799 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư của DATP 2 là 9.844,5 tỷ đồng, giảm 499 triệu đồng; DATP 3 có tổng mức đầu tư 9.925 tỷ đồng, giảm 1,544 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu khả thi DATP 4 là 12.072 tỷ đồng, tăng 952 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng (Chủ đầu tư DATP 4) lý giải, tổng mức đầu tư DATP 4 tăng cao do khi triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì có kết quả khoan khảo sát địa chất chi tiết.
Dự án thành phần 4 thuộc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 58,4 km, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án thành phần này là 11.120 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.958 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 7.221 tỷ đồng.
“Kết quả khảo sát địa chất cho thấy, DATP 4 phát sinh thêm khối lượng lớn nền đất yếu, đất bùn phải xử lý để đảm bảo độ lún, nhất là đoạn tuyến cao tốc đi qua vùng cửa biển Trần Đề, dẫn tới định mức đầu tư tăng cao hơn. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư DATP 4 là cần thiết nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm, phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Hoài nói. Hiện tại, tiến độ DATP 4 cơ bản đáp ứng yêu cầu ở tất cả các đầu mục công việc như: tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn; khảo sát địa hình, thủy văn, khoan địa chất và thí nghiệm, bãi đổ thải; khảo sát các vật liệu; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; lập hồ sơ thiết kế cơ bản; lập hồ sơ thiết kế cắm cọc, bàn giao hồ sơ, triển khai giải phóng mặt bằng...
Theo nguồn tin từ Ban QLDA Mỹ Thuận, chi phí dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá (do các đơn vị tư vấn lập) của DATP 1 lần lượt là 10% và 8,59%; DATP 2 là 10% và 5,7%; DATP 3 là 10% và 7,54%; DATP 4 là 5% và 7,17%. Theo ban này, nếu giảm chi phí dự phòng khối lượng của các DATP 1, 2 và 3 xuống mức 5% (tương tự Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau vừa được phê duyệt) thì tổng chi phí giảm 1.185 tỷ đồng, đảm bảo được tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng không vượt so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt.
Về tình hình bố trí vốn cho Dự án, vào tháng 8 và tháng 10/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có 2 nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án với số vốn là 993,286 tỷ đồng. Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm diễn ra trong tháng 12/2022, Tỉnh tiếp tục phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án với số vốn là 6,714 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của địa phương. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng vào 30/6/2023.