Nhiều dự án lưới điện chưa thể hoàn thành do thiếu mặt bằng. Ảnh: Toàn Thắng |
Nhiều dự án lớn chậm tiến độ
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo giải quyết vướng mắc, tồn đọng kéo dài để sớm hoàn thành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Dự án dù đang được khởi động lại sau thời gian “ngủ đông” nhưng khá gian nan.
Theo kế hoạch, vào thời gian này, công tác chuẩn bị khởi động Dự án phải hoàn thành và được đặt lên “bệ phóng” để sẵn sàng kích hoạt. Tuy nhiên, công tác nhân sự, máy móc… vẫn ở giai đoạn chuẩn bị. Trở ngại lớn nhất hiện nay của Dự án là việc thanh toán các gói thầu EPC dở dang để kéo các nhà thầu quay trở lại thực hiện nốt phần công việc vẫn chưa giải quyết xong. Theo tính toán, nếu khởi động thuận lợi thì đến tháng 5/2022, Tổ máy số 1 của Dự án mới có thể kịp hòa lưới điện như yêu cầu.
Tương tự, các dự án nguồn điện quan trọng khác như: Sông Hậu 1, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3… cũng đang chậm tiến dộ.
Với dự án lưới điện, một số dự án đã nhiều lần lỗi hẹn. Có thể kể đến Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Dự án Đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín… Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (chủ đầu tư), nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc các dự án chưa thể hoàn thành là do ách tắc trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp cấp bách được Bộ Công Thương đề xuất là chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ. “Bộ đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực thúc đẩy Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) phấn đấu hòa lưới điện Tổ máy số 1 vào tháng 5/2022”, Báo cáo nhấn mạnh.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng, nếu không có sự vào cuộc chủ động của các bên liên quan thì những ách tắc lâu nay như vấn đề mặt bằng sạch hay nguồn vốn cho triển khai dự án điện sẽ khó có thể giải quyết.
Đồng thời, Bộ Công Thương cho biết, sẽ rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Bộ Công Thương sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt, sẽ rà soát các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn.
Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo với việc tổ chức rà soát, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện. Mục tiêu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải…
Mặt khác, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào, cũng như mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.