Có 9 danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT. Ảnh: Lê Tiên |
Kèm theo TT01 là 9 danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được với hơn 1.900 loại hàng hóa trong nước sản xuất được, là cơ sở quan trọng để cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị nhập khẩu hàng hóa trên phạm vi cả nước sử dụng.
Bộ KH&ĐT cho biết, sau 2 năm ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT, đến nay, doanh nghiệp (DN) trong nước đã sản xuất được một số hàng hóa mới đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời một số DN ngừng sản xuất, không cung cấp ra thị trường hàng hóa có trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT. Do đó, cần bổ sung các mặt hàng mới vào danh mục và loại bỏ một số mặt hàng ngừng sản xuất. Ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội DN, DN đều bày tỏ sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc ban hành TT01.
TT01 nhấn mạnh, danh mục này là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng cùng nhiều văn bản liên quan khác.
Các hàng hóa đã sản xuất được nêu tại các Danh mục kèm theo TT01 được áp dụng chung và không phụ thuộc vào mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng (hàng hóa chuyên dùng là hàng hóa đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù khi sử dụng nêu trong các chứng chỉ chuyên ngành).
Đối tượng điều chỉnh là các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; đối tượng miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại các điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 28 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đơn vị nhập khẩu hàng hóa trên phạm vi cả nước sử dụng Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được theo TT01 để xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng/miễn thuế nhập khẩu theo quy định.
9 danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được ban hành kèm TT01 bao gồm: Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được (92 hàng hóa); Danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được (336 hàng hóa); Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được (113 hàng hóa); Danh mục nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được (678 hàng hóa); Danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong nước đã sản xuất được (197 hàng hóa); Danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được (74 hàng hóa); Danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ việc đóng thầu trong nước đã sản xuất được (11 hàng hóa); Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được (178 hàng hóa); Danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (204 hàng hóa).
Để khuyến khích các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu tại các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước thay thế cho Chỉ thị số 494/CT-TTg được ban hành trước đó. Chỉ thị số 13/CT-TTg được ban hành đã nhận được sự ủng hộ cao của các DN, chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động mua sắm công.
Trong năm 2017, Cục Quản lý đấu thầu có khoảng 800 lượt hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu tới các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều văn bản có liên quan đến nội dung ưu đãi trong đấu thầu đối với hàng hóa trong nước đã sản xuất được.