Loạt dự án chống ngập nghìn tỷ tại TP.HCM sắp mời thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với 3 dự án chuyển tiếp cần hoàn thành và 2 dự án khởi công mới, năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện tình trạng ngập úng và nâng cao năng lực xử lý nước thải của TP.HCM.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 11.133 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: Song Lê
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 11.133 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: Song Lê

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) hạ tầng đô thị TP.HCM, trong số các dự án thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải của TP.HCM, có 3 dự án chuyển tiếp cần hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, dự án quan trọng nhất là Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 11.133 tỷ đồng (tương đương 524 triệu USD), thời gian thực hiện từ năm 2015 đến tháng 12/2026.

Cập nhật số liệu mới nhất cho thấy, Dự án gồm 29 gói thầu, trong đó có 9 gói thầu xây lắp (đã hoàn thành 5 gói và chấm dứt hợp đồng 1 gói); 16 gói thầu tư vấn (đã hoàn thành 9 gói và chấm dứt hợp đồng 1 gói); 3 gói thầu mua sắm (đã hoàn thành) và 1 gói thầu rà phá bom mìn bổ sung (đã hoàn thành). Tiến độ chung của Dự án đến nay đạt khoảng 75%, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Theo đánh giá của Chủ đầu tư, việc hoàn thành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm trên tổng số nước thải sinh hoạt của Thành phố thải ra hằng ngày là 1,6 triệu m3/ngày đêm (tương đương xử lý khoảng 70% lượng nước thải ra hàng ngày). Do đó, Dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sống của người dân TP.HCM.

Tại Dự án, các nhà thầu đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Quận 2 cũ (nay là TP. Thủ Đức); xây dựng hệ thống cấp 2, 3 khu vực Thảo Điền, Nam Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây. Trong đó, hệ thống cống bao đường kính 3.200 mm, dài khoảng 8 km. Riêng Nhà máy Xử lý nước thải 480.000 m3/ngày đêm đã cơ bản hoàn thiện phần xây thô. Gói thầu XL-02 Thiết kế - thi công - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (5.468,423 tỷ đồng) do Liên danh ACCIONA - VINCI đảm nhận dù quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn (thiếu mặt bằng, thủ tục thẩm định công nghệ, vốn…), nhưng các nhà thầu đã nỗ lực vượt khó để đưa Dự án dần về đích. Đặc biệt, tại gói thầu này, việc xây dựng Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR, sử dụng các giá thể dạng di động cho vi sinh vật bám dính và phát triển để loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo Ban QLDA ĐTXD hạ tầng đô thị TP.HCM, trong tháng 4/2025, 2 dự án sẽ được khởi công gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) và Nạo vét rạch Đá Đỏ (từ đường Nguyễn Hoàng đến sông Sài Gòn). Chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu để sớm đưa các dự án khởi động.

Đặc biệt, có 5 dự án chuẩn bị đầu tư đang được Chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện các thủ tục. Trong đó, 3 dự án gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt), quận Gò Vấp; Nâng cấp, nạo vét khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước cải thiện môi trường dọc tuyến Kênh 19/5, trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu) đang tổ chức lập, trình phê duyệt dự án.

Riêng Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát (Dự án CRUS1) và Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải, thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn (Dự án CRUS2) có nhiệm vụ giải quyết thoát nước cho 6 quận, huyện đã được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua chủ trương đầu tư. Đây là 2 dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 triệu USD. Theo Sở Tài chính TP.HCM, cả 2 dự án đều được Thành phố bố trí vốn, đủ điều kiện để có thể khởi công trong năm 2025. Đồng thời, việc cân đối vốn cho 2 dự án theo từng giai đoạn cũng đã được TP.HCM làm rõ trong các báo cáo trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo kế hoạch của TP.HCM, công tác đấu thấu lựa chọn nhà thầu các dự án hạ tầng chống ngập và xử lý nước thải sẽ sôi động không những đối với các nhà thầu trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà thầu/nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2025.

Tin cùng chuyên mục