Đã có 14 doanh nghiệp nhà nước được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang |
Sự thay đổi lớn về mô hình quản lý này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá lớn trong hoạt động của khối DNNN, mặc dù cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình của ủy ban này vẫn cần được quy định cụ thể hơn.
Sẽ nhanh chóng hoàn tất chuyển giao
Sau khi Bộ Công Thương bàn giao 6 DN về Ủy ban cuối tuần qua, ngày 12/11, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cũng chính thức bàn giao 8 DN về cơ quan này. Như vậy, trong danh sách 19 DN phải bàn giao theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, chỉ còn 5 DN chưa thực hiện.
Cùng với Nghị định 131/2018/NĐ-CP, việc chuyển giao được thực hiện theo Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN về Ủy ban vừa được Thủ tướng ban hành. Theo quy định tại 2 văn bản này, thời hạn để các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyển giao DN về Ủy ban là ngày 13/11/2018. Trường hợp do điều kiện, hoàn cảnh khách quan về thay đổi quy định của Nhà nước nên công tác chuyển giao không thể thực hiện theo đúng thời hạn nêu trên, cơ quan chuyển giao kịp thời báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn chuyển giao.
Về tiến độ chuyển giao các DN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho biết: “Các bộ đã sẵn sàng, trong tuần này sẽ tiếp tục nhận bàn giao từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Theo vị chủ tịch này, ngay sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan có DN chuyển giao, các DN được chuyển giao triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, không để khoảng trống trong quá trình bàn giao DN.
Bình luận về quá trình chuyển giao nhanh chóng này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu VietAnalytics cho rằng: “Có thể thấy, việc ra đời và vận hành Ủy ban đã trải qua một quá trình chuẩn bị khá dài. Cơ cấu tổ chức, quy định hành chính, phân bổ nhân sự chắc hẳn đã có sự chuẩn bị từ trước và việc chuyển giao này chỉ mang tính chất hành chính nên có thể được thực hiện một cách chóng vánh như vậy. Việc vận hành hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới cũng khó tránh khỏi vấp váp nhưng nhiều khả năng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn mô hình quản lý cũ bởi nguyên tắc điều hành và giám sát đã thay đổi”.
Chờ quy định cụ thể và hiệu quả thực tế
Tại buổi lễ bàn giao hồ sơ quyền đại diện chủ sở hữu tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bàn giao các DNNN về Uỷ ban là một sự thay đổi lớn, qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của việc chuyển đổi này là trách nhiệm của Ủy ban trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại DN. Nội dung này đã được quy định tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP với các nguyên tắc chung về chức năng, nhiệm vụ, tính công khai - minh bạch, chế độ báo cáo, giải trình. Để có thể đong đếm được hiệu quả của các DN sau khi về với “siêu” Ủy ban, theo ông Đinh Tuấn Minh, cần cụ thể hóa hơn các quy định này. “Điểm tích cực là Ủy ban chỉ chuyên quản lý vốn và độc lập hoàn toàn với việc ban hành chính sách. Tuy nhiên, vẫn phải chờ để xem cách thức vận hành trong thực tế của mô hình này theo các quy định pháp lý cụ thể hơn”, ông Minh nhấn mạnh.