Xác định việc bãi bỏ ĐKKD không cần thiết là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư, KD thuận lợi cho DN. Ảnh: Tường Lâm |
Thực trạng đắn đo
Đề cập về ĐKKD tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, trước khi ban hành Luật Đầu tư chưa ai thống kê được bao nhiêu ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư năm 2014 ban hành có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng để xem điều kiện kinh doanh cụ thể ở mỗi ngành nghề thì phải tra cứu ở rất nhiều văn bản với nhiều quy định theo kiểu “giấy phép con” gây rủi ro cho DN.
Ngay cả về khái niệm, ông Hiếu nói: “Ngành nghề kinh doanh” và ngành nghề kinh doanh có điều kiện có sự khác biệt về tiêu chí, cách phân loại và mục tiêu. Báo cáo chỉ ra, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định thì cũng không rõ ràng về tiêu chí, nội dung xây dựng và quy định; tiêu chí có thể khác nhau ở mỗi ngành nghề khác nhau gây khó khăn cho DN.
Về cấu trúc của điều kiện kinh doanh lại rất phức tạp, theo kiểu điều kiện “cha”, “cây”; giấy phép theo kiểu “con”, “nhánh”. Đơn cử, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì Luật Kế toán quy định 3 điều kiện, tiếp đó đến Nghị định hướng dẫn thì quy định thêm điều kiện DN kinh doanh phải có ít nhất 2 thành viên và có đăng ký hành nghề mới được kinh doanh. Ngoài ra, tại các thông tư hướng dẫn cũng đưa ra một loạt các quy định dưới dạng một giấy phép con khiến DN lúng túng, phiền hà. Còn trong quá trình hoạt động kinh doanh, vị chuyên gia này cho rằng, DN phải chịu hàng loạt các nghĩa vụ về báo cáo DN và một loạt các điều chung cùng với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật buộc DN phải áp dụng. Đôi khi xảy ra tình trạng tiêu chuẩn và quy chuẩn có sự trùng lắp gia tăng gánh nặng thời gian, chi phí cho DN.
Một con số đáng chú ý khác cũng được Báo cáo công bố chỉ ra, hiện có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh chia theo các ngành nghề kinh doanh. “Nếu coi số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành nghề “mẹ” thì mỗi ngành nghề “mẹ” phải gánh trên 20 điều kiện kinh doanh, chưa kể là khi chia theo ngành nghề “con””, ông Hiếu phân tích. Đáng ngại hơn, theo ông Hiếu, gần đây có xu hướng một số ĐKKD đã được bãi bỏ những năm 2000, 2003 dường như hiện nay lại có xu hướng “trỗi dậy”, trong khi đó cơ chế kiểm soát ĐKKD hiện nay xem ra thất bại.
Khá quan ngại trước “biến tướng” của ĐKKD hiện hành, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, ĐKKD được ban hành dường như ngày càng tinh vi hơn khi ngày xuất hiện dưới dạng: thông báo, phương án kinh doanh đã được duyệt… thay vì giấy phép như trước đây, buộc DN phải có mới thì mới được sản xuất kinh doanh. Thậm chí, có hiện tượng một số cơ quan ban hành ĐKKD con để loại đối thủ cạnh tranh, tạo lợi ích nhóm…
Cần thiết loại bỏ rào cản cho DN
Xác định việc bãi bỏ ĐKKD không cần thiết là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN được đề cập từ lâu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, giấy phép con vẫn còn là rào cản lớn cho sự phát triển của DN. “Dù vẫn là vấn đề biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng xem ra rào cản ĐKKD cho DN vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Dòng vốn thị trường vẫn bị tắc, DN vẫn bị hạn chế tranh”, ông Cung nhận xét. Hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về ĐKKD không hiệu quả, thiếu cơ chế thực thi đầy đủ; chưa duy trì được rà soát và nâng cao chất lượng quy định ĐKKD một cách hiệu quả và thường xuyên.
Cảnh báo 5 nguy cơ có thể tác động bất lợi cho DN từ các ĐKKD không phù hợp, ông Hiếu nhấn mạnh, đó là nguy cơ về rủi ro, hạn chế sáng tạo, tác động bất lợi cho DNNVV, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh.
Từ thực trạng ĐKKD Việt Nam năm 2017 còn nhiều vấn đề, người đứng đầu CIEM cho rằng, cần một cách làm khác, cách làm mới trong việc kiểm soát các ĐKKD hiện nay. Nhìn về con đường phía trước thúc đẩy sự phát triển của DN Việt Nam, đại diện CIEM nhấn mạnh quan điểm cần “cắt xén” hay “chặt bỏ” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh cũng như tác động không cân xứng đối với DN. Việc cắt xén này không chỉ giới hạn ở các quy định về điều kiện kinh doanh mà tất cả các quy định pháp luật. Để công tác “chặt bỏ” những ĐKKD là rào cản cản trở sự phát triển của DN, CIEM đề xuất thành lập một cơ quan độc lập chuyên thực hiện công tác này.