Tại các văn bản luật chuyên ngành, vẫn chứa đựng rất nhiều điều kiện kinh doanh mà Luật Đầu tư không quy định. Ảnh: Đức Thanh |
Góp ý về nội dung này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất cắt giảm như vậy vẫn chưa đủ mạnh và cần quyết liệt hơn.
Đề xuất cắt giảm 17 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Luật, đề xuất bãi bỏ 17 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dựa trên 4 tiêu chí chính. Đó là, bãi bỏ ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hai là bãi bỏ ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ba là bãi bỏ ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định. Bốn là bãi bỏ ngành nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể lựa chọn, kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.
Cùng với việc đề xuất cắt giảm 17 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đăng kiểm tàu cá; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu).
Đánh giá cao về đề xuất bãi bỏ ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Dự thảo Luật, nhưng ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Đó là con số khiêm tốn. Cải cách chưa đủ mạnh”. Bởi theo ông Cung, qua nghiên cứu cho thấy, trong số 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành, nên bỏ ít nhất một nửa. Muốn làm được điều này, chúng ta không nên chờ các bộ kiến nghị việc sẽ cắt giảm đủ mạnh, đủ lớn, vì họ chỉ kiến nghị bỏ những thứ không mang lại lợi ích cho mình.
Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT và thành viên nêu quan điểm: “Con số 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh được đề xuất bãi bỏ là quá ít so với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay. Nhưng đó chỉ là danh mục với ngành, nghề kinh doanh nói chung chứ không phải danh mục về ngành, nghề đầu tư”.
Kỳ vọng lớn phía sau
Theo ông Hiền, việc Luật Đầu tư đưa ra Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là nhằm hạn chế các bộ đưa ra điều kiện kinh doanh nằm ngoài điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư để hành dân, hành DN. Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù có Danh mục, song tại các luật chuyên ngành (thậm chí ở mức nghị định, thông tư...) vẫn chứa đựng rất nhiều điều kiện kinh doanh mà Luật Đầu tư không quy định. “Nếu ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó được bãi bỏ ở Luật Đầu tư, nhưng luật chuyên ngành vẫn quy định thì không có ý nghĩa”, ông Hiền nhấn mạnh.
Để việc tuân thủ danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện dễ dàng, thuận lợi, ông Hiền cho rằng, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần rõ ràng, minh bạch để người dân dễ dàng thực hiện. Thứ hai, các bộ cần tuân thủ nghiêm quy định việc cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ở Luật Đầu tư, tránh việc ban hành giấy phép con, cháu… Thứ ba, cán bộ của cơ quan công quyền cần công tâm.
Nhấn mạnh yêu cầu cải cách, xóa bỏ rào cản cho DN, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị, ngoài việc cắt giảm mạnh số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành thì tư duy quản lý nhà nước phải thay đổi. “Chúng ta vẫn có thói quen bắt mọi người làm theo quy định và tiến theo quy trình. Khi làm như vậy, không thể có sáng tạo, sáng tạo bao giờ cũng chết ngay từ đầu. Quản lý nhà nước phải nâng đỡ đổi mới sáng tạo, theo kịp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy vì phát triển”, ông Cung nói.