Cải cách hành chính hiệu quả là phải thu hút được người tài với chế độ đãi ngộ tốt. Ảnh: Nhã Chi |
Còn nhũng nhiễu nếu không minh bạch
Để triển khai thi hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Theo đó, các điều kiện kinh doanh chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (điểm phát sinh “giấy phép con”) đã, đang và sẽ tiếp tục được nhận diện, từng bước loại bỏ.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM khóa XIII cho rằng, hiện nay nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp là để nhắc lại trách nhiệm của bộ máy hành chính trước hết phải làm theo quy định.
“Cá nhân tôi cho rằng thủ tục của Việt Nam không phải quá rườm rà. Cứ thử qua Mỹ để mở nhà hàng, tiệm ăn thì sẽ thấy thủ tục còn rất nhiều bước hơn nhưng không ai kêu ca. Tại sao như vậy? Bởi vì nó minh bạch và bộ máy công tâm. Người ta biết rằng tôi làm chuyện đó bao nhiêu ngày, bao nhiêu việc và người ta sẽ làm xong. Còn ở ta, dù có giảm thủ tục cỡ nào nhưng nếu bộ máy không minh bạch, không công tâm thì cũng là nhũng nhiễu thôi!” – ông Trần Du Lịch bộc bạch.
Theo ông Lịch, điều mà Chính phủ hiện nay nhấn mạnh trong quá trình cải cách chính là phải chống nhũng nhiễu và tạo sự minh bạch. Việc công tâm trong công vụ là yêu cầu đầu tiên. Quá trình phát triển khu vực tư nhân về mặt thể chế đang bước vào giai đoạn 3, tức là giai đoạn mà đa số nền kinh tế thị trường áp dụng.
Nói như TS. Trần Du Lịch, để cải cách thể chế, các luật hiện nay mà Việt Nam đang áp dụng là tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, muốn thực thi được, còn 2 loại cải cách nữa phải đồng bộ. Trước hết, bộ máy hành chính phải sửa đổi. Nếu bộ máy hành chính như hiện nay, chồng chéo chức năng, không rõ ràng nhiệm vụ thì chuyện tiêu cực rất khó tránh khỏi. Và tiếp theo là con người. Cải cách hành chính phải là thể chế, bộ máy và con người. Con người phải đồng bộ. Làm sao bộ máy hành chính nâng cao nó lên, thu hút được tinh hoa và chế độ đãi ngộ.
Tăng kỷ luật thị trường
Các chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam chưa có hệ thống phân cấp và phân công rõ ràng vai trò và trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan Trung ương cũng như giữa trung ương và các tỉnh. Chính vì vậy, điều cần lưu ý là tăng cường kỷ luật thị trường đối với Nhà nước. Vai trò của Nhà nước và mối liên hệ với thị trường phải được làm rõ.
Theo ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, Việt Nam cần cải cách các mối quan hệ, trong đó Nhà nước làm trung tâm, cải cách khuôn khổ phân cấp là cơ bản. Đặc biệt là cần tăng cường vai trò “trung tâm của Chính phủ”, với sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ khác nhau tại Trung ương.
Ông Sandeep Mahajan khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường hành chính công. Dịch vụ công nên được định hướng lại cho phù hợp với vai trò thay đổi của Nhà nước - chuyển từ vai trò là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, và điều tiết.
Việc nâng cao năng lực về dịch vụ công cần chú trọng 3 hướng. Đó là tập trung vào thành tích nhiều hơn khi tuyển dụng công chức. Hồ sơ của các dịch vụ công cần phải được xác định theo các chức năng dự kiến của dịch vụ. Còn mục đích của cải cách hệ thống lương thưởng là để thu hút, giữ chân nhân tài.