Cây gậy trắng cho người mù và sự nối dài của những điều tử tế

(BĐT) - “Không ai nghèo đến mức không thể cho người khác một thứ gì đó”. Câu nói của một người khiếm thị, cũng đồng điệu, đồng cảm với cách nghĩ của người đứng đầu Bộ KH&ĐT: "Tôi giúp bạn, bạn giúp người khác, người khác lại giúp người khác nữa…, những câu chuyện tử tế cần được nhân lên”.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Những chia sẻ từ trái tim ấy có lẽ đã chạm đến trái tim của tất cả những người có mặt tại Hội trường Bộ KH&ĐT hôm nay, tại một sự kiện rất đặc biệt do Bộ tổ chức sáng 5/12/2019 - “Chương trình vì sự phát triển cộng đồng và phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”.

Anh Nguyễn Văn Hùng - thành viên Dàn Hợp ca Hy vọng, kể lại kỷ niệm khiến anh xúc động nhất khi nói về Bộ KH&ĐT. Đó là hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chống nạng đến nghe, động viên, khích lệ Dàn Hợp ca Hy vọng trong buổi biểu diễn tại Bộ hồi đầu năm. “Sau buổi diễn, Bộ KH&ĐT còn tặng trang phục biểu diễn cho Dàn Hợp ca và bộ áo dài rất đẹp mà tôi mặc hôm nay cũng là do cán bộ, nhân viên Bộ KH&ĐT tặng”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hùng - thành viên Dàn Hợp ca Hy vọng. Ảnh: Lê Tiên

Dàn Hợp ca Hy vọng - dàn hợp ca của những người khiếm thị, do Giáo sư Tôn Thất Triêm dìu dắt, là một trong số nhiều nhóm người yếu thế được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bảo trợ, quan tâm giúp đỡ trong thời gian qua.  

Tại Hội trường của Bộ KH&ĐT sáng 5/12, có rất đông các bạn khiếm thị,  khiếm thính, có người không thể đi lại phải ngồi trên xe lăn… Nhưng như anh Phạm Việt Hoài – chủ doanh nghiệp Kym Việt, hay Lê Viết Cường – chủ Hợp tác xã Vụn Art, họ chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh, họ là “người đặc biệt” chứ không phải “người khuyết tật”. Những người như Hoài, như Cường, đã vượt lên sự “bất tiện” của bản thân, để lao động, sáng tạo và giúp cộng đồng người khuyết tật cùng vươn lên, cống hiến cho xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng: “Các bạn đã cho chúng tôi thấy được nghị lực, sự vươn lên và khát vọng làm việc, khát vọng cống hiến. Chính các bạn đã cho chúng tôi một bài học, một động lực, một khát vọng để thay đổi và vươn lên. Những thay đổi và chuyển biến hết sức tích cực trong từng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&ĐT trong thời gian qua, có lẽ cũng bắt nguồn từ các bạn. Để rồi từ đó, mỗi chúng tôi sẽ nhân lên quyết tâm làm tốt hơn nữa công việc của mình, từng bước lồng ghép những yếu tố nhân văn, lấy con người làm trọng tâm trong công tác tham mưu thể chế, chính sách”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao cây gậy trắng cho người khiếm thị. Ảnh: Lê Tiên

Sáng kiến Cây gậy trắng được Bộ KH&ĐT phát động, tiếp tục là hành động thiết thực, để hỗ trợ cho người khiếm thị tiếp tục hòa nhập tốt hơn. Hơn 14.200 cây gậy trắng đã được huy động ngay tại buổi lễ và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng trong thời gian tới, khi sáng kiến được nhân rộng, có thể số gậy sẽ được nhân lên tới 1 triệu cây hoặc có thể nhiều hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu của tất cả người khiếm thị hiện đang là 3 triệu người.

Nếu mỗi người có 1 cây gậy trắng trong vòng 5 năm tới, theo bà Pam S. DeVolder - Tham tán Thông tin - Văn hoá, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ là thành tựu phi thường của Việt Nam.

Hơn thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định rằng, từ góc độ cơ quan tham mưu về kinh tế, kế hoạch, Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu xây dựng chính sách phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng, an sinh xã hội, tạo bình đẳng trong quyền kinh tế, chính trị, xã hội cho tất cả mọi người, tạo sinh kế bền vững cho người yếu thế.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ rằng, bà rất ít khi đến Bộ KH&ĐT, nhưng với chương trình này, bà rất muốn có mặt. Bà cho biết ngày hôm qua vừa ở Cần Thơ trao đổi về giải pháp phát triển Thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, tối đã bay về Hà Nội để có thể kịp tham dự.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nói rằng chia sẻ của anh Phạm Việt Hoài khiến bà cảm thấy được động viên trong cuộc sống. Ảnh: Lê Tiên

"Được gặp các anh chị khuyết tật, có lẽ cảm nhận chung của chúng ta là sự khâm phục, các anh chị đã vươn lên chiến thắng chính mình. Nghị lực ấy thôi thúc chúng tôi, những người đang công tác, những người lành lặn hơn phải nghĩ rằng mình phải làm gì để cuộc sống tốt hơn…", bà Tòng Thị Phóng chia sẻ. Lãnh đạo Quốc hội cũng trao một số tiền của cá nhân bà cho chương trình. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đồng hàng cùng Chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật, người khiếm thị, người yếu thế. Đồng thời đánh giá cao cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện chương trình này.
Cây gậy trắng cho người mù và sự nối dài của những điều tử tế ảnh 4

“Các bạn tuy không thể nhìn cuộc sống bằng đôi mắt như mọi người, nhưng bù lại, các bạn cảm nhận được nó bằng trái tim, còn chúng tôi giúp các bạn tiến lên phía trước nhanh hơn, tự tin hơn bằng cây gậy trắng, để rồi các bạn được đến những nơi các bạn muốn, được nắm bắt các cơ hội, được làm việc được cống hiến và quan trọng hơn là được giúp đỡ người khác”  - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Lễ phát động Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam.

Cây gậy trắng cho người mù và sự nối dài của những điều tử tế ảnh 5

“Mỗi người, dù là ai, đều có thể dành trí tuệ, tài năng hay vật lực của mình để giúp đỡ người khác. Tôi giúp bạn, bạn giúp người khác, người khác lại giúp người khác nữa và cứ thế cho đến khi chúng ta thực sự có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn và lớn hơn nữa là sự tử tế. Thay vì phải thấy tình trạng bạo lực, xâm hại, tệ nạn xã hội, ứng xử phi văn hóa, phi đạo đức... trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn những câu chuyện tử tế”. - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.