CEO đưa lợi nhuận Sony lên kỷ lục 20 năm là ai?

Từ chỗ lỗ nặng vào năm 2012 khi Kazuo Hirai lên nắm quyền, Sony đã ghi nhận lãi kỷ lục trong năm ngoái...
CEO đưa lợi nhuận Sony lên kỷ lục 20 năm là ai?

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Kazuo Hirai, mới đây Sony công bố lợi nhuận hoạt động năm 2016 (tính đến hết tháng 3/2017) cao nhất trong 20 năm qua. Kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012, gã khổng lồ Nhật Bản đã vực dậy với mô hình cân bằng nhiều hoạt động kinh doanh đa dạng từ điện tử cho đến tài chính.

Không giống lãnh đạo của các tập đoàn lớn, Kazuo Hirai, 56 tuổi có phong cách gần gũi với quần jeans, giày thể thao. Phong cách của ông được cho là có phần "lập dị" theo tiêu chuẩn tại Nhật Bản do ảnh hưởng của thời gian sống tại nước ngoài khi còn nhỏ.

Vào đầu năm cấp 2, cha của Hirai - một nhân viên ngân hàng, được thuyên chuyển tới Mỹ và đã mang theo cả gia đình tới sống tại New York. Tại đây, Hirai theo học một trường công và bắt đầu cuộc sống mà ông gọi là "cô đơn" vì khác biệt văn hóa và ngôn ngữ.

Ông đến trường với 3 tấm thẻ treo trước cổ ghi bằng tiếng Anh và tiếng Nhật: "Em đang ốm", "Em muốn đi vệ sinh" và "Làm ơn gọi bố mẹ em ngay lập tức".

Phải tới năm học thứ 2, Hirai mới hòa nhập được với trường học Mỹ và đó cũng là khi ông bắt đầu quên đi cuộc sống học đường của Nhật. Điều đó khiến ông không hòa nhập được khi trở lại Nhật vào năm thứ 4 trung học và phải dành rất nhiều tâm sức cho việc này. Nhưng một lần nữa, khi ông bắt đầu quen với môi trường mới thì lại phải chuyển ra nước ngoài sống cùng gia đình.

Cuối cùng, ông lựa chọn theo học Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo. Dù có thể quay lại Mỹ để học đại học sau khi tốt nghiệp trung học American School tại Tokyo nhưng ông nhận ra rằng, sau tất cả thì ông là người Nhật và muốn an cư tại quê hương từ đó.

Chính thời gian dài sống và học tập tại nước ngoài đã giúp Hirai hình thành tư tưởng cởi mở và khác biệt với truyền thống tại Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc cho CBS/Sony Records tại Tokyo và nhiều công ty con của Sony trước được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo.

Được biết đến với văn hóa tự do và cởi mở nhưng thực chất Sony lại là một tổ chức đa lớp phức tạp. Mảng kinh doanh video game và âm nhạc của Hirai lúc đó còn tương đối mới mẻ, trong khi đó các thiết bị nghe nhìn như TV, máy quay có lịch sử lâu đời và được coi là "bộ mặt" của công ty.

Hai bộ phận này có văn hóa hoàn toàn khác biệt. Khi Hirai tới thăm một văn phòng của bộ phận thiết bị nghe nhìn tại quận Shinagawa, Tokyo, các lãnh đạo tại đây đều xuất hiện trong bộ vest màu nâu sáng, trong khi đó ông mặc đồ khá thoải mái. Với cả hai bên, đối phương đều là những kẻ "kỳ quặc".

Sony từng chủ yếu sử dụng những nhân viên tốt nghiệp đại học trong nước, nhưng khi công ty phải đối mặt áp lực toàn cầu hóa ngày càng lớn, vai trò và ảnh hưởng của Hirai tăng lên đáng kể. Cuối cùng, năm 2012, ông được chủ tịch khi đó là Howard Stringer bổ nhiệm làm CEO. Dù hiện có nhiều người từng theo học quốc tế như Hirai giữ vị trí quan trọng trong các công ty nước ngoài, có lẽ ông là người đầu tiên trở thành lãnh đạo của một công ty lớn "thuần Nhật".

Không bị "mắc kẹt" trong các truyền thống cố hữu, Hirai đã bắt tay cải tổ mảng kinh doanh TV và laptop của công ty. Lợi nhuận của sony từ chỗ lỗ nặng khi ông bắt đầu lên làm CEO, đã cải thiện đáng kể và đạt mức kỷ lục trong năm tài chính 2016. 

Cuộc thi kinh doanh nội bộ để tìm kiếm các ý tưởng mới từ nhân viên do ông tổ chức giúp Sony tung ra các sản phẩm mới như đồng hồ thông minh hay máy khuếch tán tinh dầu di động.

Mới đây, hãng này đưa chú chó máy (robot) AIBO trở lại sau một thập kỷ ngừng sản xuất. Đây được xem là nỗ lực xây dựng lại uy tín về sáng tạo sau nhiều năm tái cơ cấu của Sony.

Năm nay mới 56 tuổi, Hirai chưa nghĩ tới kế hoạch nghỉ hưu và cho biết sứ mệnh của ông là thực hiện các sáng kiến toàn cầu nhằm giúp tăng sự hiện diện trên trường quốc tế của Nhật Bản, hơn là tập trung vào các hoạt động trong nước.

Tin cùng chuyên mục