Cơ quan chuyên trách có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về tổ chức và hoạt động của mình. Ảnh: Tường Lâm |
Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN được thành lập với việc tách bạch chức năng rõ ràng, có địa vị pháp lý chắc chắn tình trạng trên sẽ chấm dứt.
Chú trọng năng lực và phẩm chất cán bộ
Tại Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, cơ quan soạn thảo đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN. Cơ quan này thuộc Chính phủ, thực hiện quản lý, giám sát việc sử dụng vốn và tài sản của nhà nước một cách tập trung, khắc phục những hạn chế của mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại DN, trong đó có vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.
Tờ trình Đề án nêu rõ, cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ sẽ góp phần huy động được đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách; không chỉ ở lĩnh vực hoạch định chính sách sắp xếp, đổi mới DN, lãnh đạo chiến lược, quản lý kinh tế, đầu tư tài chính, mà còn bao gồm các cán bộ am hiểu ngành nghề chuyên sâu và đặc thù của các nhóm doanh nghiệp. Điều này là đặc biệt quan trọng khi mà cơ quan chuyên trách phải chịu trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại rất nhiều tập đoàn, tổng công ty và DN thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật khác nhau.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, Đề án có đề cập đến vấn đề rất lớn là tuyển chọn đội ngũ nhân nhân sự có chất lượng, kỹ năng tính chuyên nghiệp cao, phẩm chất tốt… Việc làm này nhằm đảm bảo cho việc quản lý và sử dụng vốn của nhà nước tại DN hiệu quả hơn.
Trước đánh giá thực tiễn cho thấy, việc phân tán quyền chủ sở hữu nhà nước dẫn tới tình trạng không rõ về trách nhiệm giải trình trong thực hiện quyền chủ sở hữu. Một số doanh nghiệp có sai phạm lớn, để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của kinh tế nhà nước, tuy nhiên, rất khó để xác định trách nhiệm trong mô hình hiện nay. Thậm chí, để thoái thác trách nhiệm, có người đã đổ lỗi do khách quan, do thị trường. Nhìn nhận vấn đề này, ông Hồ cho rằng, lý do đưa ra là không thỏa đáng.
Đồng tình quan điểm của ông Hồ, một chuyên gia kinh tế khác thẳng thắn nêu rõ, sai phạm ở các dự án của DNNN thời gian qua không phải là do những người quản lý, thực hiện ở đó không có năng lực mà mấu chốt là cơ chế của chúng ta còn khoảng trống tạo cơ hội cho họ. Theo vị chuyên gia này, khi có cơ quan chuyên trách với chức năng tách bạch, đia vị pháp lý đủ mạnh thì việc làm rõ trách nhiệm của đối tượng để xảy ra sai phạm sẽ rõ ràng, sẽ không còn chuyện người để xảy ra sai phạm nhưng đổ lỗi “bừa bãi” là do khách quan, do thị trường. DNNN chỉ tập trung đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực DN tư nhân không làm hoặc không có nguồn lực để làm.
Công khai, minh bạch thông tin
Nhằm công khai, minh bạch hoạt động của khối DNNN, Chính phủ đã có quy định về công bố thông tin. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đến nay vẫn còn có tới hàng trăm DNNN không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc quy định về công bố thông tin. Chính việc DNNN không thực hiện nghiêm túc quy định này khiến cơ quan quản lý, người dân không thể biết được khối DN này hoạt động như thế nào, hiệu quả hay không hiệu quả.
Giải quyết bài toán này, tại Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cơ quan chuyên trách có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của mình. Phương tiện công bố thông tin có thể gồm: Hệ thống tiếp nhận thông tin, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật. Đề án nêu rõ, các thông tin phải công bố là thông tin chung về tình hình thực hiện các quyền và trách nhiệm đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, gồm: mục tiêu, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện; kết quả thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới của các DNNN, DN có phần vốn nhà nước thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu; các chỉ tiêu tài chính, kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của toàn bộ DNNN và phần vốn nhà nước tại DN... Thông tin về danh mục các DN và phần vốn nhà nước thuộc cơ quan chuyên trách như: mục tiêu, nhiệm vụ của DN; người đại diện tại DN; các chỉ tiêu tài chính, vốn nhà nước, kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, công bố các báo cáo: Báo cáo hoạt động 6 tháng và thường niên về hoạt động của cơ quan chuyên trách; các báo cáo của doanh nghiệp đã gửi cơ quan chuyên trách theo pháp luật về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
Cơ quan chuyên trách có trách nhiệm phê duyệt các nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền; bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời của các thông tin được công bố và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực các nội dung báo cáo và thông tin công bố.