Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai từng phải tạm dừng thu phí để sửa chữa một số đoạn bị hư hỏng nặng. Ảnh: A.M |
Đây là công trình do Ban Quản lý dự án 1 (Bộ Giao thông - Vận tải) là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) là nhà đầu tưvới doanh nghiệp dự án là Chi nhánh BOT 319 Sông Phan.
Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp 125,4 km Quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng này có lịch sử khá “truân chuyên”. Được quyết định đầu tư từ năm 2011 bằng nguồn trái phiếu chính phủ, nhưng do không bố trí được vốn, Dự án buộc phải chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với tổng mức đầu tư được xác định là 2.085,6 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh còn 1.661 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 346,6 tỷ đồng, vốn vay là 1.314 tỷ đồng. Cho đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 3/2016), Dự án đã hoàn thành và thu phí hoàn vốn được hơn 16 tháng.
Theo Thông báo số 268/TB-KTNN, tính đến ngày 31/12/2015, chi phí thực hiện Dự án là 1.572,7 tỷ đồng (số liệu báo cáo); giá trị báo cáo được kiểm toán là 1.569 tỷ đồng; số kiểm toán là 1.551 tỷ đồng; chênh lệch giảm 18,3 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào như tổng vốn đầu tư cập nhật đến ngày 31/12/2015, doanh thu, chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên..., thì thời gian hoàn vốn của Dự án giảm 2 năm 1 tháng, xuống còn 20 năm 7 tháng.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khi xác định tỷ lệ phân lưu đi qua đường cao tốc trong quá trình tính toán phương án tài chính, đơn vị tư vấn chưa cập nhật trong phần thuyết minh dự án các thông tin chi tiết về tỷ lệ phân lưu cho từng năm, mà lại tính bình quân 40 - 60%. Sơ suất này không được Ban Quản lý dự án 1 phát hiện và cho ý kiến trong quá trình nghiệm thu hồ sơ.
“Hạt sạn” này cũng được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện trong quá trình thanh tra Dự án hồi tháng 3/2016. Cụ thể, Thanh tra phát hiện đơn vị tư vấn lập dự án và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tính lưu lượng xe chưa chính xác với thuyết minh dự án.
Theo thuyết minh dự án thì phân lưu giữa Dự án Phan Thiết - Đồng Nai và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 40% và 60%; trong phương án tài chính sử dụng tỷ lệ phân lưu giữa Dự án Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là 55% và 45%. Như vậy, đang có sự sai khác giữa lưu lượng xe trong thuyết minh dự án với lưu lượng xe trong báo cáo tài chính (sai khác 15%). Điều đáng nói là, tỷ lệ phân lưu xe trong phương án tài chính được ghi rõ trong Báo cáo kết quả thẩm định số 02/ĐTCT ngày 7/3/2013 của Ban Quản lý dự án đối tác công – tư (Bộ Giao thông - Vận tải). Điều này cho thấy, trong quá trình hoàn chỉnh Dự án theo quyết định phê duyệt, tư vấn đã không cập nhật, điều chỉnh và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa soát xét cẩn thận trong quá trình nghiệm thu.
Liên quan phương pháp điều tra, khảo sát lưu lượng phương tiện làm cơ sở tính toán trong phương án tài chính, Kiểm toán Nhà nước quy trách nhiệm cho Bộ Giao thông - Vận tải về việc chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về phương pháp điều tra, thống kế số lượng phương tiện lưu thông qua trạm thu phí để phục vụ công tác quản lý dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, trong khi lưu lượng xe lưu thông thực tế trên các tuyến đường trong các ngày là khác nhau, không có quy luật, phụ thuộc vào nhu cầu, thời tiết, mùa vụ…, dẫn đến chưa có đủ cơ sở khoa học đối với tiêu chí này để lập phương án tài chính.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, tổng vốn đầu tư Dự án tính cả phần thuế giá trị gia tăng là chưa đảm bảo đúng quy định, với giá trị lên tới 170 tỷ đồng, bởi theo Điều 2, Luật Thuế giá trị gia tăng, nhà đầu tư sẽ được hoàn thuế trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cán bộ liên quan trong quá trình thực hiện chức năng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là trong việc lập, thẩm định, trình duyệt tổng mức đầu tư tăng sai 22 tỷ đồng; không có ý kiến về việc cập nhật tỷ lệ phân lưu giữa Quốc lộ 1 và cao tốc theo từng năm.
Việc thi công không tuân thủ đúng quy trình là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hư hỏng hằn lún vệt bánh xe khá trầm trọng tại Dự án. Đây là công trình BOT đầu tiên ở Việt Nam đã bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tạm dừng thu phí từ 12 giờ ngày 20/5/2016 đến 18 giờ ngày 25/5/2016 do mặt đường một số đoạn bị hư hỏng nặng, không đảm yêu cầu khai thác.
“Tổng công ty 319 phải làm rõ và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác quản lý chất lượng thi công, để xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán nhà nước yêu cầu.