Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Synopsys ký Biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang |
Nhiều nỗ lực kết nối đối tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nhằm khơi thông một động lực tăng trưởng mới, góp sức cho nền kinh tế vươn tầm.
Kết nối nỗ lực, xây dựng ngành công nghiệp mới
Ngày 19/9, NIC ký kết biên bản hợp tác với Đại học Bang Arizona (ASU) để thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, vi điện tử và các chuyên ngành liên quan khác, phù hợp với chuỗi cung ứng công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Theo Biên bản hợp tác, ASU sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Trung tâm Thiết kế vi mạch NIC với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn. Đồng thời, ASU sẽ mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn trong ngành bán dẫn tại Hoa Kỳ và trên thế giới, để hỗ trợ cho hợp tác giữa ASU và NIC, hướng tới việc phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu…
NIC cũng vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Cadence - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử của Hoa Kỳ, nhằm hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tại Việt Nam. Với Synopsys - công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử và bán dẫn của Hoa Kỳ, NIC tiến hành ký Biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam; trong đó, Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn đặt tại cơ sở Hòa Lạc.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, các hoạt động cụ thể nêu trên đều nhằm thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn - ngành công nghiệp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đánh giá, hoạt động khởi nghiệp, ĐMST ở Việt Nam đang rất sôi động, “nở rộ” nhiều ý tưởng, giải pháp hữu ích, cần tiếp tục được nhân rộng trong cuộc sống. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổ chức “Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam”, thu hút 758 giải pháp công nghệ từ nhiều quốc gia tham dự, trong đó có nhiều giải pháp có khả năng áp dụng rộng rãi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vinh danh 12 giải pháp, trong đó FPT IS được trao giải “Ngôi sao Đổi mới sáng tạo” do có giải pháp tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo.
Công trình NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Giai đoạn 1 sắp được hoàn thành sẽ tạo thêm nhiều không gian mới, kết nối mới, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Ảnh: Trương Gia |
Tạo không gian mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến ĐMST cho thấy nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt là vô cùng lớn và rất đáng tự hào. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối tháng 10/2023, Bộ sẽ chủ trì tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (dự kiến từ ngày 28/10 - 1/11) kết hợp với việc khánh thành công trình NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Giai đoạn 1. Công trình sắp được hoàn thành sẽ tạo thêm nhiều không gian mới, kết nối mới, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển năng lực ĐMST.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, khánh thành công trình NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng về hạ tầng cho ĐMST Việt Nam sau hơn 2 năm triển khai xây dựng và vượt qua rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
“Trung tâm ĐMST quốc gia là niềm tự hào không chỉ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn là hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, cộng đồng quốc tế về quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái ĐMST, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST trong khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, bên cạnh sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hiện có nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Samsung, Google, Meta, Synopsys... cùng một số quỹ đầu tư mạo hiểm và các startup trong những lĩnh vực mới đã đăng ký đặt “đại bản doanh” tại NIC Hòa Lạc, với khát vọng sáng tạo giải pháp, tiến ra biển lớn.
Dự án Xây dựng công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 750 tỷ đồng, được Chính phủ phát lệnh khởi công vào ngày 9/1/2021. Công trình được xây dựng với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và trang thiết bị tiên tiến trên diện tích 35 ha. Dự án gồm 2 khối nhà làm việc và 1 khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
NIC Hòa Lạc có các không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển và không gian kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động ĐMST, hội thảo, diễn đàn, giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ... Ngoài phân khu văn phòng, nơi đây còn có các khu vực giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham khảo, học hỏi kinh nghiệm; khu các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu...